Stella McCartney debut túi xách giả da làm từ nấm trên sàn diễn Xuân Hè 2022

Chiếc túi xách giả da làm từ nấm Frayme Mylo của Stella McCartney thực sự thân thiện với môi trường vì có thể phân hủy thiên nhiên, khác với chất liệu giả da gốc dầu mỏ

Người mẫu trình làng chiếc túi xách làm bằng chất liệu giả da nguồn gốc nấm trên sàn diễn Stella McCartney Xuân Hè 2022. Ảnh: ImaxTree

Stella McCartney được mệnh danh là nữ hoàng của làng thời trang xanh. Nhà thiết kế người Anh chuyên đi đầu trong việc ủng hộ các biện pháp cải thiện ngành công nghiệp thời trang, để các nhà mốt có thể phát triển thêm bền vững. Cô cũng ủng hộ việc ngừng sử dụng chất liệu khai thác từ thú vật trong thời trang. Qua show diễn Xuân Hè 2022, Stella McCartney đã làm được điều này khi tung ra chiếc túi xách làm từ nấm.

Cận cảnh chiếc túi xách Frayme Mylo™️ làm từ nấm của Stella McCartney

Nhà thiết kế Stella McCartney tin rằng nấm là tương lai của thời trang. Vì vậy, cô đã bắt tay với Bolt Thread ở bang California, Mỹ. Bolt Thread là lab nghiên cứu chất liệu vải sinh học đời mới, đã chế tác nên lụa tơ nhện được Stella McCartney đầu tư cách đây khoảng vài năm.

Bolt Thread đã sáng chế nên một loại chất liệu giả da hình thành từ nấm (mycelium leather). Nó có bề mặt giống hệt với da thuộc bình thường. Độ đàn hồi và độ bền cũng rất tốt. Nhưng nó có thể phân hủy thiên nhiên hoàn toàn, khác với các loại chất liệu giả da có gốc dầu mỏ.

Sử dụng chất liệu giả da Mylo, Stella McCartney vừa có thể chế tác nên một mẫu túi xách không sử dụng nguyên liệu động vật, và cũng phân hủy thiên nhiên: Một mũi tên trúng hai con chim.

Các mẫu túi xách giả da thân thiện với môi trường được thiết kế theo đúng phong cách quen thuộc của Stella McCartney: Màu sắc tông đất ấm áp, bề mặt trơn láng gần như tối giản, phối hợp với những đường biên là mắt xích hầm hố. Chúng gợi nhớ đến lối thiết kế chiếc túi xách hit của Stella McCartney trước đây, mẫu Falabella.

TƯƠNG LAI CỦA THỜI TRANG LÀ…NẤM: NGUỒN CHẤT LIỆU CHO THỜI TRANG BỀN VỮNG
XU HƯỚNG THỜI TRANG BỀN VỮNG MỚI: LỤA TƠ NHỆN

Những chỉ tiêu phát triển thân thiện với môi trường của Stella McCartney

Stella McCartney Xuân Hè 2022. Ảnh: ImaxTree

Nhân dịp tung ra chiếc túi xách làm từ nấm, Stella McCartney nhìn lại hành trình phát triển bền vững của mình.

Khi lập nghiệp năm 2001, Stella McCartney đã là một người ăn chay trường. Vì vậy bà nhất quyết không sử dụng nguyên liệu làm từ thú vật cho các phụ kiện của mình: Không dùng da thuộc, lông vũ, hay keo dán chiết xuất động vật.

Năm 2008, trước khi cả thế giới quan tâm đến thời trang xanh, Stella McCartney đã bắt đầu sử dụng cotton hữu cơ. Sau đó là chất liệu polyester tái chế và viscose. Stella McCartney là một trong những nhà mốt đầu tiên lăng-xê chất liệu Econyl, trước khi Prada, Burberry và Gucci tham gia sử dụng chất liệu này.

PRADA RA MẮT DÒNG TÚI XÁCH BẰNG ECONYL THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
GUCCI OFF THE GRID: BST SẢN PHẨM THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG ĐẦU TAY CỦA GUCCI

Stella McCartney Xuân Hè 2022. Ảnh: ImaxTree

Vậy, sau những chiếc túi xách làm bằng nấm, Stella McCartney sẽ tiếp tục phát triển bền vững ra sao? Nhà thiết kế tiết lộ, mình đang đầu tư cho hai sản phẩm mới.

Thứ nhất là Sorona, chất liệu nhồi áo khoác phao. Thông thường áo khoác phao thường được chần với lông ngỗng hoặc polyester. Sorona sẽ sử dụng đến 30% chất liệu nguồn gốc thực vật và có thể được tái chế.

Thứ nhì là Recycrom, một loại phẩm màu nhuộm vải an toàn hơn cho môi trường. Nhà thiết kế cho biết, đa số các loại màu nhuộm thường dùng chế phẩm gốc dầu mỏ. Recycrom sẽ tận dụng các nguồn phế thải trong ngành công nghiệp dệt vải để biến thành phẩm màu; từ đó không cần sử dụng dầu mỏ và cũng hạn chế rác thải bị đổ ra bãi rác.

Những người quan tâm đến thời trang xanh và phương thức phát triển bền vững trong thời trang chắc chắn phải theo dõi đường đi nước bước của Stella McCartney trong thời gian tới.

HIỂU VỀ CÁC THUẬT NGỮ TRONG THỜI TRANG TÁI CHẾ: RECYCLE VS UPCYCLE
8 CHẤT LIỆU GIẢ DA (VEGAN LEATHER) THAY THẾ DA THUỘC THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Ảnh: ImaxTree
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm