Scandal Purito: Thu hồi kem chống nắng drugstore Hàn Quốc không đạt chỉ số SPF như quảng cáo

Nhiều loại kem chống nắng Hàn Quốc (thể loại drugstore giá mềm) đang bị scandal không đạt chỉ số chống nắng ghi chú trên bao bì

Loại kem chống nắng Centella Green Level Unscented Sun của thương hiệu drugstore Hàn Quốc Purito là nguồn căn gây nên scandal SPF trong làng mỹ phẩm Hàn thời gian gần đây. Ảnh: Purito

Nếu bạn đang sử dụng kem chống nắng Hàn Quốc thể loại drugstore giá mềm, hãy cẩn thận. Thời gian gần đây, dòng mỹ phẩm drugstore Hàn Quốc đang bị scandal không đạt chỉ số SPF như quảng cáo. Một loạt các thương hiệu đã bị ngừng sản xuất hoặc thu hồi ở những quốc gia tiên tiến. Nếu sản phẩm bạn sử dụng nằm trong danh sách đang bị tái kiểm nghiệm độ SPF, bạn có lẽ nên đổi sản phẩm để bảo vệ da an toàn trong mùa hè.

Khởi nguồn scandal chỉ số SPF trong kem chống nắng drugstore Hàn Quốc

Vào cuối năm 2020, hai phòng thí nghiệm độc lập tại Châu Âu phát hiện rằng kem chống nắng của thương hiệu Purito Hàn Quốc (một thương hiệu drugstore giá mềm) không đạt độ SPF như ghi chú trên bao bì.

Cụ thể, kem chống nắng Centella Green Level Unscented Sun của Purito được quảng cáo là có độ SPF50+. Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm từ phòng lab cho thấy nó thực chất chỉ đạt SPF19. Điều này có nghĩa rằng, sử dụng sản phẩm này không bảo vệ làn da bạn như bạn nghĩ.

Trước sự cáo buộc này, Purito đính chính rằng: Mình không tự sản xuất kem chống nắng, mà nhờ một bên thứ ba lên công thức.

“Vì sự e ngại của người dùng, chúng tôi sẽ làm việc lại với đối tác. Hiện tại, chúng tôi đã yêu cầu đối tác gửi lại kết quả kiểm nghiệm cho cả ba sản phẩm chống nắng thực hiện cho chúng tôi”, trích thông cáo báo chí từ Purito.

Sau khi cô Judit Racz, nhà sáng lập kho lưu trữ thông tin mỹ phẩm INCIDecoder chia sẻ những thông tin trên, điều này gây sợ hãi trong giới yêu làm đẹp. Purito là một thương hiệu thuần chay (vegan) rất được ưa chuộng toàn cầu, sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi từ lâu. Người tiêu dùng cũng không rõ liệu phòng lab mà Purito sử dụng có sản xuất kem chống nắng cho những thương hiệu drugstore Hàn Quốc khác hay không.

Ngay lập tức, tại Singapore và Úc, các sản phẩm chống nắng của Purito bị thu hồi. Một số thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc khác cũng bị ảnh hưởng tại Singapore.

Úc còn mạnh tay hơn, cấm bán toàn bộ kem chống nắng Hàn Quốc, trừ phi nếu thương hiệu chấp nhận chi phí cao để tái kiểm nghiệm sản phẩm với phòng lab Úc. Tại quốc gia miền biển này, ung thư da là căn bệnh dai dẳng. Nên Úc kiểm soát chỉ tiêu kem chống nắng mạnh tay gấp nhiều lần so với những quốc gia khác. Đôi khi, kem chống nắng ngoại nhập được ghi chú có nồng độ SPF cao, sau khi kiểm nghiệm tại Úc, có thể bị đánh rớt chỉ số xuống chỉ còn SPF15!

Sự khác biệt giữa kem chống nắng Hàn Quốc và kem chống nắng từ các quốc gia khác

Krave Beauty, một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc giá mềm, đã ngừng sản xuất dòng kem chống nắng The Beet Shield khi phát hiện nó không đạt yêu cầu về chỉ số SPF. Ảnh: Instagram @kravebeauty

Tại Úc và Mỹ, kem chống nắng được xem như thuốc. Vì vậy mà chúng bị kiểm nghiệm chặt chẽ trước khi được đưa ra thị trường.

Tại Mỹ, kem chống nắng thuộc sự kiểm soát của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Còn tại Úc, kem chống nắng do Cục Quản lý hàng hóa trị liệu (TGA) thẩm định. Hai cục quản lý này đều có một danh sách cố định các nguyên liệu, hoạt chất được chấp thuận trong kem chống nắng. Danh sách này hầu như chưa từng được cập nhật trong 2 thập kỷ qua. Quá trình thẩm định cũng đắt đỏ và mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, kem chống nắng không bị xem là thuốc, mà nó được đẩy vào hạng mục mỹ phẩm. Quy trình kiểm nghiệm có thể sát sao, nhưng với tiến độ khá nhanh chóng, lại không phức tạp như hạng mục thuốc.

Ngoài ra, kem chống nắng Hàn Quốc sử dụng chỉ số kem chống nắng khác: PA. Đây là chỉ số dựa trên khả năng chống lại tia UVA. Con số đo lường thời gian sản phẩm có thể bảo vệ da trước khi làn da bắt đầu chuyển nâu dưới tia tử ngoại này (vâng, người Hàn Quốc quan trọng hóa việc sở hữu làn da trắng sứ).

***Nhìn chung thì bạn cần chọn kem chống nắng có cả SPF (chống UVB) lẫn PA (chống UVA).

Sự khác biệt giữa chỉ tiêu thẩm định kem chống nắng Hàn Quốc và thế giới là lý giải mà Purito sử dụng để bao biện cho sản phẩm bị lên án.

Những thương hiệu K-Beauty bạn cần lưu ý?

Một vài sản phẩm thương hiệu không đạt chỉ tiêu: Keep Cool, B.LAB, Round Lab

Khi scandal Purito xảy ra, hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc dạng drugstore khác cũng bị săm soi.

• Be Plain Clean Ocean Moisture Sunscreen. Thương hiệu Hàn Quốc này đang tái kiểm tra chỉ số chống nắng của sản phẩm của mình.

• Clean Ocean Non-nano Mild Sunscreen. Sản phẩm kem chống nắng vật lý này đang được tái kiểm nghiệm.

• KEEP COOL Soothe Bamboo Sun Essence. Thương hiệu thông báo chính thức rằng khả năng chống nắng của sản phẩm thấp hơn ghi chú trên bao bì. Sản phẩm này đã được ngừng bày bán tại Singapore và Mỹ.

• B.LAB I Am Sorry Just Sun Cream. Thương hiệu này không đưa ra bất kỳ lời biện giải nào. Nhưng tại Singapore, sản phẩm đã được hãng âm thầm thu hồi. Tại Mỹ, sản phẩm cũng biến mất khỏi Amazon.

• Kem chống nắng Round Lab. YouTuber Ahn Insuk, thành viên của phòng kiểm nghiệm độc lập Korean Institute of Dermatological Sciences, tiết lộ rằng kem chống nắng Round Lab chỉ đạt mức SPF28.6, thấp hơn rất nhiều so với ghi chú SPF50 trên bao bì. Round Lab đáp trả rằng, sản phẩm của hãng phù hợp với chỉ tiêu PA của Hàn Quốc, nhưng hãng sẽ tái kiểm nghiệm sản phẩm cho thị trường quốc tế. Hiện tại, kem chống nắng Round Lab chưa bị thu hồi toàn cầu.

• Krave Beauty Beet The Sun/The Beet Shield. Trên Instagram cá nhân, nhà sáng lập thương hiệu Krave Beauty, Liah Yoo, thông báo rằng hãng cũng gặp phải vấn đề về chỉ số SPF không đạt chất lượng. Trong lúc tìm ra một nhà sản xuất mới đạt yêu cầu, Krave Beauty đã ngừng sản xuất kem chống nắng của hãng, và sẽ hoàn tiền cho những khách mua phải sản phẩm này tính từ tháng 05/2020.

Vậy kem chống nắng Hàn Quốc nào đạt chỉ tiêu?

Cô Ahn Insuk của phòng kiểm nghiệm Korean Institute of Dermatological Sciences đã hỏi ý kiến người dùng về việc nên kiểm tra sản phẩm nào. Trong video trên, hai loại kem chống nắng drugstore đạt chỉ số SPF như quảng cáo là:

IOPE UV Shield Sun Protector XP. Chính xác thì sản phẩm có độ SPF58. IOPE là một thương hiệu drugstore thuộc tập đoàn Aritaum (cùng với Mamonde, Ryo và Aritaum). Bạn có thể tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của hãng này.

Bioré UV Aqua Rich Watery Gel. Bioré là thương hiệu Nhật Bản chứ không phải Hàn Quốc, nhưng vẫn thuộc dòng drugstore giá mềm. Gel chống nắng của hãng đạt chỉ số SPF55 trong kiểm nghiệm.

>>> Xem thêm: DÙNG KEM CHỐNG NẮNG TRƯỚC HAY SAU KEM DƯỠNG DA?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm