Đào, phở và piano dù có suất chiếu giới hạn vẫn tạo nên cơn sốt

Không phải một bộ phim tình cảm hiện đại, dòng phim lịch sử bất ngờ trở thành lựa chọn của nhiều khán giả dịp Tết Nguyên Đán vừa qua

Đào, phở và piano không ra mắt trailer trên mạng xã hội trước thềm công chiếu. Ảnh: Nhà sản xuất

Thị trường điện ảnh Việt Nam dịp Tết Nguyên Đán vừa qua vô cùng náo nhiệt với sự ra mắt của loạt phim hấp dẫn. Dù vậy, cũng có những bộ phim ra mắt một cách “lặng lẽ” hơn với phạm vi công chiếu và suất chiếu giới hạn. Đào, phở và piano là một trong số những bộ phim đó.

Tuy nhiên, vượt xa mong đợi của ekip thực hiện, ngay sau khi ra mắt không lâu, Đào, phở và piano bất ngờ trở thành chủ đề nóng đặc biệt được quan tâm trên các trang mạng xã hội. Không chỉ với các tín đồ yêu phim nghệ thuật mà nhiều bạn trẻ đã kéo nhau ra rạp để ủng hộ, khiến bộ phim này phải tăng suất chiếu ngoài kế hoạch đã vạch ra.

Đào, phở và piano có êkíp thực hiện giàu kinh nghiệm

Doãn Quốc Đam hay ca sĩ Tuấn Hưng là một trong những gương mặt quen thuộc với nhiều khán giả. Ảnh: Nhà sản xuất

Ngày 10/02 vừa qua, tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, bộ phim Đào, phở và piano đã chính thức ra rạp với 2 đến 3 suất chiếu cho một ngày và kéo dài đến hết tháng 2/2024.

Được biết, đây là một trong hai phim được nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất và thí điểm chiếu rạp trong dịp Tết Giáp Thìn do đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện. Ông là một cái tên nổi tiếng trong dòng phim chính luận khi sở hữu gần 20 bộ phim, cả điện ảnh lẫn truyền hình. Chính vì vậy, việc ông “cầm trịch” bộ phim này có lẽ đã góp phần tạo nên thành công của nó.

Bên cạnh đạo diễn, Đào, phở và piano còn sở hữu dàn diễn viên thực lực bao gồm Doãn Quốc Đam, Thùy Linh, NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực, Anh Tuấn, Thiện Hùng, ca sĩ Tuấn Hưng… Mỗi diễn viên dù đảm nhận vai diễn nhỏ nhất cũng đều hoàn thành tròn trịa vai trò của mình.

Đào, phở và piano kể lại giai đoạn lịch sử hào hùng

Bộ phim đầu tư bối cảnh thật để có thể tái hiện chân thật nhất không khí chiến tranh. Ảnh: Nhà sản xuất

Sở hữu kinh phí có phần khiêm tốn khoảng 20 tỷ đồng, nhưng bộ phim đã thành công tái hiện lại không khí trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 trong trận chiến bảo vệ Hà Nội thông qua sự đầu tư xây dựng bối cảnh phim.

Được biết, họa sĩ Vũ Việt Hưng đã xây dựng cả một con phố dài 120 mét, rộng 9 mét (theo tỉ lệ 1:1) để làm bối cảnh chính cho bộ phim. Để có được bối cảnh quay phim, tổ họa sĩ của phim đã mất tới 5 tháng thi công. Bối cảnh phim vì thế chân thực tới từng chi tiết, từ những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, xe tăng, toa tàu điện… đều toát lên nét đặc trưng của Hà Nội thập niên 40.

Thoạt đầu, khi nghe qua bộ phim được nhà nước đặt hàng, nhiều người thường nghĩ Đào, phở và piano sẽ thuộc thể loại kén người xem. Thế nhưng, không chỉ có câu chuyện lịch sử, tác phẩm này còn xoay quanh câu chuyện tình yêu của một cặp đôi trẻ, trước cuộc chiến bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946.

Tình yêu trong bối cảnh lịch sử của phim “Đào, phở và piano” gây xúc động. Ảnh: Nhà sản xuất

Họ là chàng lính tự vệ trẻ và cô tiểu thư Hà thành vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến 60 ngày đêm ở Hà Nội để di tản lên chiến khu, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Mối tình của họ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của những người cuối cùng bám trụ, ở lại với Hà Nội: một cặp vợ chồng bán phở yêu nghề, ông họa sĩ già hay chú bé đánh giày,… Thông qua những thước phim, cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa một lần nữa được tôn vinh.

Rạp Quốc gia sập web, bắt buộc tăng suất chiếu cho bộ phim

Bộ phim lịch sử trở thành “cơn sốt” phòng vé. Ảnh: Nhà sản xuất

Nằm ngoài dự đoán, chỉ sau 2 ngày công chiếu, Đào, phở và piano bất ngờ trở thành một hiện tượng phòng vé khi nhiều khán giả của bộ phim chia sẻ những trải nghiệm thú vị trên các trang mạng xã hội và các video đều được lên xu hướng.

Ngay sau đó, nhiều bạn trẻ đã hưởng ứng và toàn bộ vé xem bộ phim đến hết ngày 20/2 đã bán hết nhanh chóng khiến Trung tâm Chiếu phim quốc gia liên tục tăng suất chiếu. Ban đầu chỉ 3 suất lên đến từ 11 đến 15 suất chiếu mỗi ngày hiện tại, tùy theo ngày thường hay cuối tuần.

Bên cạnh đó, thay vì chiếu hết tháng 2 như đã thông báo, rạp phim còn thông báo tiếp tục kéo dài ngày chiếu phim đến ngày 10/3/2024 nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Không chỉ nội dung, diễn xuất của diễn viên cũng là yếu tố thu hút khán giả. Ảnh: Nhà sản xuất

Theo số liệu từ Box Office Việt Nam, tính đến ngày 18/2, Đào, phở và piano đã bán được 1.455 vé, thu được 87,3 triệu đồng tiền vé. Tổng doanh thu tiền vé của phim tính đến nay, sau 1 tuần ra mắt là hơn 344,4 triệu đồng, một con số ấn tượng đối với một bộ phim chỉ được chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia.

Tuy nhiên, dù đã tăng suất chiếu, việc sở hữu một tấm vé xem bộ phim này vẫn không hề dễ dàng. Vừa qua, số lượng người đặt vé tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã đạt mức quả tải dẫn đến tình trạng “sập” web trong nhiều ngày liền. Dù phải mua vé qua ứng dụng NCC, VNPay và các ngân hàng có bán vé xem phim trực tuyến nhưng các rạp chiếu Đào, phở và piano đến thời điểm này vẫn đang trong tình trạng hết vé.

Giờ đây, không chỉ khán giả thủ đô mà nhiều khán giả trên khắp Việt Nam đều muốn thưởng thức bộ phim này. Ảnh: Nhà sản xuất

Với phản ứng tích cực này từ phía khán giả, Cục Điện ảnh vừa đề xuất chiếu Đào, phở và piano với phạm vi trên toàn quốc. Chính vì vậy, những khán giả yêu thích nền điện ảnh nước nhà giờ đây hoàn toàn có thể mong đợi sẽ sớm được thưởng thức tác phẩm mà không phải đi xa hay hết vé.

PHIM NGHỆ THUẬT VIỆT:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm