NTK Phan Đăng Hoàng tôn vinh nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị qua BST Xuân Hè 2024

Nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng mang đến Milan Fashion Week bộ sưu tập "Sculpture" tôn vinh sự dũng cảm, tự do và niềm đam mê, nhiệt huyết trong hành trình sự nghiệp của nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị

Previous Next

Vào ngày 25/9/2023 tại Tuần lễ thời trang Milan mùa Xuân Hè 2024, nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng đã chính thức giới thiệu BST Sculpture qua hình thức Digital Show. Digital Show lần này đánh dấu bước chuyển mình của NTK trẻ Phan Đăng Hoàng trong vai trò Giám Đốc Sáng Tạo, với định hướng phát triển thương hiệu song song hai thị trường Việt Nam và quốc tế.

Với thời lượng 15 phút trên website https://milanofashionweek.cameramoda.it/it, ngay sau khi ra mắt Sculpture, thương hiệu nhận được những phản hồi tích cực từ giới chuyên môn quốc tế.

Nhà thiết kế trẻ Phan Đăng Hoàng tôn vinh nữ điêu khắc gia làm rạng danh nghệ thuật Việt Điềm Phùng Thị

Khai thác nguồn cảm hứng phương Đông kết hợp với văn hoá mang âm hưởng phương Tây, BST Sculpture tôn vinh sự dũng cảm, tự do và niềm đam mê, nhiệt huyết trong hành trình sự nghiệp của nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị.

Nghệ sỹ Điềm Phùng Thị là cố điêu khắc gia từ Việt Nam đã vang danh khắp châu Âu trong thế kỷ 20. Bà cùng họa sĩ Zao Wou Ki từ Trung Quốc là hai nghệ sĩ gốc Á hiếm hoi được ghi danh trong Từ điển LaRousse: Nghệ thuật thế kỷ XX. Vốn theo học ngành nha sĩ, nhưng sau đó bà chuyển hướng sang hoạt động nghệ thuật khi đến Pháp vào năm 30 tuổi. Từ đó, các tác phẩm của bà được trưng bày khắp các quốc gia như Pháp, Đức, Ý, Pháp, Đan Mạch…

Ở bộ sưu tập Sculpture mùa Xuân Hè 2024, Phan Đăng Hoàng khai thác những góc nhìn và tư duy của nữ điêu khắc gia – một người phụ nữ giàu nội lực, lặng lẽ và bền bỉ đi theo con đường của riêng mình.

Nghệ Sĩ Điềm Phùng Thị được mệnh danh là “người tạc tượng Đông – Tây”. Bà có khả năng biến hóa và sáng tạo nên vạn vật hữu hình từ những ý tưởng vô hình, chuyển biến từ sự thuần Việt thành một ngôn ngữ mới. Từ những mẩu gỗ thừa hình vuông, chữ nhật, hình thang, bà tạo ra một nghệ thuật điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô-đun hình học, tựa như cách thế giới âm nhạc được vận hành từ 7 nốt nhạc. Bà đã đánh thức tư duy sáng tạo của thế hệ sau và trao cho họ các phương sách để tự thể nghiệm.

BST Sculpture của Phan Đăng Hoàng khắc họa hình tượng người phụ nữ độc bản, tự do, phóng khoáng

Thừa hưởng triết lý đó, BST Sculpture của Phan Đăng Hoàng khắc hoạ hình tượng người phụ nữ độc bản – tự do – phóng khoáng dựa trên những chuyển biến hình khối trong các tác phẩm của nữ điêu khắc gia.

Giải phóng hình thể và tôn vinh những nét đẹp “không chuẩn mực”, phom dáng tinh tế cùng những khoảng kín hở được sắp đặt khéo léo đã nâng tầm dáng vóc tự nhiên vốn có của người phụ nữ. Kết hợp đa mảng miếng về màu sắc và chất liệu, BST vừa sang trọng, nữ tính; vừa cá tính nhưng cũng rất thanh lịch; cân bằng giữa cảm hứng phương Đông và hơi thở phương Tây.

Kỹ thuật giải cấu trúc, draping, thêu đính, sơn mài, in hình kỳ công trên nền những chất liệu đương đại như lụa, linen, tuýt si, nhung, da… Phan Đăng Hoàng và đội ngũ mất hàng trăm giờ thử nghiệm và sáng tạo bằng tất cả sự trau chuốt, tỉ mỉ nhất. Sự biến thiên của mỗi phom dáng, màu sắc và đường nét trong BST đều tạo nên những mảng miếng, không gian điêu khắc đa chiều. BST tạo hiệu quả thẩm mỹ từ sự xâu chuỗi chi tiết cut-out, dập ly, nhún vải, độn vai, khâu canvas, mài vải thành một trật tự tuyến tính tạo nên những lớp sóng đều đặn của chuyển động hình khối.

Khác với tông màu rực rỡ từ những BST trước, lần này NTK lồng ghép những khoảng màu sáng – tối, thăng – trầm, thổi vào các “khối điêu khắc” thời trang. Đó là tông màu trầm như đen, ghi kết hợp với gam nổi bật như đỏ, trắng, hồng, xanh cốm để nêu bật được hành trình hoàn thiện tác phẩm của mỗi một nghệ sĩ đều trải qua những cung bậc cảm xúc thăng hoa và trầm bổng, gửi vào đó những nỗi niềm tâm tư và cả sự hi sinh vì nghệ thuật.

Lần đầu Phan Đăng Hoàng thử sức với thời trang Ready-To-Wear

“Quá trình thực hiện BST lần này gặp phải khá nhiều khó khăn khi đây là lần đầu Hoàng thử sức với BST Ready-To-Wear, phải làm sao để biến những ý tưởng có phần đặc biệt ấy trở thành một sản phẩm thời trang có thể đi vào đời sống thường nhật cũng là bài toán vô cùng gian nan. Và điều quan trọng hơn hết là thổi hồn vào trong từng bộ trang phục, nhìn thấy được dáng hình điêu khắc của Điềm Phùng Thị cũng như tình yêu của bà dành cho bộ môn nghệ thuật này.”

Trong quá trình thực hiện BST, NTK và đội ngũ đã dày công trong việc chuyển thể dáng hình của điêu khắc sang ngôn ngữ thời trang. Phan Đăng Hoàng cùng ê-kíp của mình chọn lọc các hình khối, sắp đặt logic để BST vừa mang tinh thần điêu khắc, vừa có tính ứng dụng, mới mẻ và hiện đại. Sự đa dạng trong cách phối hoà chất liệu và màu sắc xuyên suốt 30 thiết kế cũng chính là phương pháp để NTK “điêu khắc” nên những bộ trang phục, đồng thời cũng là thách thức của đội ngũ. Bên cạnh những bộ trang phục ứng dụng mang tính “daily life”, là những thiết kế phù hợp bối cảnh sự kiện, có yếu tố Couture với yêu cầu kỹ thuật cao.

Sculpture được đánh giá là BST có sự thể hiện tròn trịa khi cân bằng cả tính nghệ thuật và yếu tố “To Wear” trong Ready-To-Wear. Lĩnh hội sự biến hoá vô lường và quy tắc “tịnh tiến dần về sự linh động” của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị, thông qua những thiết kế tách rời, dễ phối như áo sơ mi, chân váy jeans, váy zip-leather, đầm ôm, thương hiệu hướng đến một không gian trải nghiệm để mỗi nhân tố, khách hàng đều là một “nhà điêu khắc”. Những người trải nghiệm sản phẩm có thể tuỳ phối những món đồ trong BST theo cách của riêng mình.

Nguồn cảm hứng từ điêu khắc Điềm Phùng Thị không chỉ tôn vinh sự độc bản trong cách chơi khối được tính toán thông minh, mà còn kết nối với quá trình chuyển mình, hết lòng theo đuổi đam mê của bà – người phụ nữ bén duyên với điêu khắc ở tuổi 40. Khám phá những điều mới mẻ ở chính bản thân mình và thông điệp phá bỏ mọi giới hạn cũng chính là điều mà thương hiệu Phan Dang Hoang gửi gắm đến khách hàng.

TIN LIÊN QUAN:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm