Nghĩ về nước Anh, ta nghĩ về chế độ quân chủ và sức ảnh hưởng lan rộng đến văn hoá đã kéo dài hơn một thế kỷ. Người dân Anh quốc có thắng cảnh là cung điện Buckingham, tự hào mình nói “ngôn ngữ của Nhà Vua” (The King’s English), xem những buổi lễ hoàng gia là sự kiện trọng đại, hàng nghìn người chờ đón. Thậm chí, các hoàng thất mặc gì, kiểu cách ra sao, luôn là một chủ đề năm nào cũng được thảo luận.
Việc quan sát, mổ xẻ những bản phối vương giả đem đến nhiều bài học ăn vận đúng điệu thanh lịch dành cho những ai thần tượng những biểu tượng thời trang lam huyết như Nữ hoàng Elizabeth II, Công nương Diana, Công nương xứ Wales Catherine (Kate Middleton), đồng thời reo rắc cho ta nhiều câu hỏi về những quy tắc trang phục khắt khe. Trong số đó là niềm vui thú và tò mò trước những chiếc nón cường điệu, tinh xảo, dường như chỉ được thấy ở hai nơi: Hoặc là trên sàn diễn haute couture, hoặc là tại những sự kiện hoàng gia, nơi được ví là những “lễ hội nón”.
Có nhiều nghệ nhân chế tác nón chuyên đảm nhận việc thiết kế cho các thành viên của vương tộc. Nổi trội là Philip Treacy, Stephen Jones, John Boyd hay Jane Taylor.
Theo lời của Philip Treacy, làm một chiếc nón đúng chuẩn có thể mất đến một tháng, thậm chí là một năm, đủ để thấy đẳng cấp về kỹ nghệ của món đồ chủ chốt. Anh cũng cho biết, những khách hàng của vương tộc Windsor gần như là lí do cho sự phổ rộng những tác phẩm của anh, bằng cách đội và giới thiệu đến công chúng những chiếc nón độc đáo. Một lời chứng thực từ chuyên gia về tầm ảnh hưởng của chủ đề nón hoàng gia.
Vì sao nón là một phụ kiện không thể thiếu đối với phụ nữ hoàng gia Anh?
Nón có thể là một món phụ kiện tuỳ chọn trong bản phối thường ngày của hội tín đồ, nhưng với những người phụ nữ trong hoàng thất Anh quốc, một quy tắc bất di bất dịch cho sự xuất hiện của họ tại các sự kiện trang trọng là phải trang trí mái tóc và bằng phụ kiện đội đầu đồng màu với trang phục. Điều này càng thêm rõ ràng khi so sánh tạo hình của những nàng dâu hoàng gia trước và sau khi gia nhập vương tộc Windsor, đơn cử là công nương Catherine (Kate Middleton).
Tìm hiểu căn nguyên, hãy cùng đi lên một chuyến du hành thời gian đến thập niên 1920-1950. Bạn đang ở đường phố Luân Đôn, và tất cả mọi người xung quanh, những quý ông và quý bà đều đội phụ kiện thanh lịch.
Với đàn ông, phổ biến chiếc nón Homburg – một chiếc mũ vành trang trí đai lụa (và bạn biết không, chính vua Edward VII là người “lăng-xê” đầu tiên!). Với phụ nữ, găng tay và các loại nón như capulet, nón nửa đầu, nón hộp dường như là không thể thiếu khi ở nơi đông người.
Người thuộc tầng lớp lao động dù thực hiện công việc nặng nhọc nhưng vẫn không quên che chắn đỉnh đầu bằng phụ kiện. Nam giới chọn nón Newsboys (nón người đưa thư), và nữ giới, đặc biệt là những ai làm việc trong nhà xưởng, dường như đã quen với chiếc khăn đội đầu.
Vào thời điểm đó, đàn ông ra đường không đội nón cũng không khác gì bán khoả thân!
Theo tín ngưỡng đạo giáo, phụ nữ cũng sẽ không được cho phép vào nhà thờ nếu không đội nón. Việc che chắn đỉnh đầu bằng nón hoặc khăn là một nét văn hoá vô cùng quan trọng, đạt đến mức bắt buộc vào những năm chiến tranh lạnh.
Chuyên gia văn hoá Diana Mather cho biết: “Đến những năm 1950, các quý cô, quý bà hầu như không ra đường nếu không có nón, vì thời điểm đó, để lộ tóc ở nơi công cộng là một điều cấm kỵ.” Dường như thừi kỳ của những chiếc nón là không bao giờ chấm dứt.
Thế rồi, sự bùng nổ của xe hơi động cơ và việc các nhà thờ dần thả lỏng quy tắc về nón mũ, món đồ bắt buộc ngày nào dần thoái lui trong bản phối của người dân Anh từ những năm 1960.
Tuy nhiên, với hoàng gia Anh, việc đội nón luôn là một nét văn hoá truyền thống mà họ muốn gắn bó, bởi họ là biểu tượng cho phép tắc xã giao nổi tiếng là khắt khe của xứ sở sương mù. Từ đó hình thành thông lệ cho mọi phụ nữ trong vương tộc phải xuất hiện với một món phụ kiện đội đầu tại các nghi thức trang trọng như Lễ diễu hành, lễ đăng quang và nhiều lễ hội được tổ chức công khai.
Vậy, liệu nón mũ trong bản phối hoàng gia có được xem là một quy tắc bí bách, gò ép? Nhìn sự thú vị của những chiếc nón tại các sự kiện hoàn toàn chứng minh điều ngược lại. Với sự phát triển đa dạng, cùng tay nghề của những nghệ nhân làm nón danh tiếng chuyên thực hiện cho những thành viên lam huyết, ta biết được rằng nón sẽ là món đồ chi phối điểm nhìn của công chúng, khiến người hoàng tộc nổi bần bật trong đám đông, và đương nhiên là giúp những bản phối không bao giờ đơn điệu.
Những loại mũ nón phổ biến nhất trong bản phối thời trang của các quý nữ hoàng gia Anh
Bạn có biết: Phụ nữ trong vương thất Anh có thể sử dụng đến đến 24 loại nón mũ khác nhau!
Không chỉ vậy, mỗi chiếc mang một “tính cách” riêng biệt: Nếu là đính lông vũ, có chiếc gắn đuôi chim trĩ Hoàng đế dài ấn tượng, có chiếc uốn lông thành một cấu trúc vặn xoắn độc đáo. Cùng mô-típ đính hoa, đính nơ nhưng có nón được điểm trang bằng kỹ nghệ hoa xếp ly, có chiếc là tầng tầng lớp lớp cánh hồng lụa. Một vài sự đột phá bất ngờ còn khai thác những chiếc nón đính kết lá phong, bông tuyết. Nhiều chiếc nón còn được đầu tư hoạ tiết, màu sắc hơn hẳn so với trang phục.
Sự biến chuyển đó là để đáp ứng những quy tắc chi tiết được đề ra về loại nón nào thì nên đi với bộ trang phục nào. Một ví dụ từ chuyên gia Lisa Forde chỉ rõ yêu cầu về lối ăn vận dành cho những thành viên hoàng tộc: “Nếu mặc váy dáng chữ A, vành mũ phải được cân đo cho phù hợp. Trang phục sắc sảo thì phải đi với nón đơn giản.”
Quan sát và chọn lọc, có 8 chiếc nón xuất hiện nhiều nhất và thường được đính kết thú vị nhất trên bản phối thuần thục chuẩn hoàng gia:
1&2. Mũ Beret kiểu Pháp và Tam o’ Shanter kiểu Scotland
Đầu tiên là “cặp chị em” beret và tam o’ shanter. Đều mang phom dáng tròn, làm từ vải và trĩu về một phía, phân biệt Tam o’ shanter từ Scotland với phiên bản nón mềm nước Pháp nhờ kích cỡ to hơn đáng kể và phần viền chắc chắn, dễ thấy.
Nếu nón beret ở nước Pháp là item tomboy unisex, thì khi đến với Anh Quốc, nó được biến tấu cho nữ tính và thanh lịch hơn khi kết hợp cùng mạng che mặt. Nón beret kiểu vương thất Anh cũng đi đôi với điểm nhấn lệch về một bên và được trang trí thêm với hoa.
Trong khi đó, Tam o’ shanter chủ yếu nổi bật bằng cách hoà phối màu sắc giữa phần viền và phần nón, hoặc sinh động hơn với chiếc pompom bông xù.
3, 4 & 5. Nón có vành rộng gồm boater, thủy thủ và matador (đấu sĩ)
Nón boater, thuỷ thủ và đấu sĩ có thể ví như “sinh ba” vì sự khác biệt rất nhỏ trong chiều cao, chất liệu. Những dáng nón hình hộp, có vành rộng ngang xuất hiện từ kỷ Victoria là món phụ kiện yêu thích của nữ hoàng Elizabeth II và Vương tôn nữ Beatrice xứ York. Ngoài việc khéo léo chế tác đai nơ – một yếu tố cơ bản cho loại nón này, phần vành rộng còn là “đất” để các nghệ nhân làm nón “dụng võ”, gắn thêm những chuỗi hoa lạ mắt.
6. Nón cocktail như tác phẩm nghệ thuật
Rất đông hoàng thất thuộc “câu lạc bộ người hâm mộ” của chiếc nón cocktail, vì loại nón này không có vành, nhỏ, nhẹ nhưng lại thường được đính kết các điểm nhấn cường điệu bậc nhất, hoàn hảo để nổi bật khi đội trong các buổi lễ ban ngày.
Nhiều tạo hình đáng nhớ của chiếc cocktail là khi được kèm thêm mạng che mặt hay nơ origami, và không thể không nhắc đến món phụ kiện đầy tính biểu tượng của Vương tôn nữ Beatrice. Phần khung nơ cứng cáp như tượng tạc là tác phẩm của nghệ nhân Philip Treacy. Rõ ràng với một chiếc nón nhỏ bé, những nhà chế tác vẫn có thể biến tấu và hiện thực hoá những ý tưởng độc bản nhất.
7. Nón halo viền quanh đầu và mặt
Niềm vui khi diện chiếc nón halo nằm ở chiếc vành phóng đại, bẻ ngược và ôm trọn lấy gương mặt xinh đẹp của phụ nữ hoàng gia Anh. Đó là nơi để ứng dụng những phương cách trang trí nón độc đáo nhất. Ta có Vương nữ Margaret với vườn hoa tiểu cúc bừng nở trên chiếc halo, Vương nữ Vương thất Anne và nón in vân mây tinh tế.
8. Nón hộp (pillbox)
Không viền, chóp thẳng, hình hộp. Giản đơn như nón pillbox lại có thể lấy lòng được những biểu tượng thời trang vĩnh cửu như Công nương Diana và Vương nữ Vương thất Anne. Cạnh những lối trang trí thường gặp như gắn hoa, gắn nơ, chiếc pillbox có biến thể với chất liệu lông xù như phiên bản nhỏ gọn hơn của nón papakha của dân tộc Turk.
Những “lễ hội nón” đặc sắc nhất của hoàng gia Anh
Đội nón là quy tắc bất di bất dịch tại mỗi sự kiện trang trọng của hoàng gia Anh. Sau đây là danh sách các lễ, hội quy tụ những kiệt tác đội đầu đẹp mãn nhãn, diễn ra thường niên mà bạn có thể theo dõi:
- Lễ hội đua ngựa Royal Ascot (Royal Ascot): Trường đua 300 năm tuổi, được thành lập bởi nữ vương Anne I, là nơi mà các thành viên hoàng thất thường lui đến trong độ tháng Sáu hàng năm.
- Nghi lễ truyền thống Order of the Garter (Garter Day): Diễn ra tại lâu đài Windsor trong tháng Sáu. Sự kiện nhằm tôn vinh quân vương và các hiệp sĩ. Vương tộc có mặt theo dõi đoàn diễu hành và hoà vào nghi lễ trang nghiêm.
- Lễ diễu hành mừng sinh nhật của Hoàng tộc (Trooping of Colour): Sự kiện nhấn mạnh không khí hân hoan, cùng những phục trang bắt mắt mừng thọ của các vị quân vương. Thành viên hoàng thất sẽ được ngồi trên xe ngựa đi qua đại lộ Mall trước khi tề tựu tại ban công cung điện Buckingham để xem đoàn diễu hành.
- Nghi thức tạ ơn quốc gia (National Service Of Thanksgiving): Không diễn ra thường niên, nghi thức chỉ theo sau các sự kiện tầm cỡ quốc gia nhằm mục đích tri ân như Lễ Hân hoan Bạch kim (kỷ niệm ngày một quân vương lên ngôi), kỷ niệm ngày cưới hoàng tộc,…
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
ĂN MẶC NHƯ VUA CHARLES III NƯỚC ANH VỚI 5 THƯƠNG HIỆU ĐẠT CHỨNG CHỈ HOÀNG GIA
VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH HOÀNG GIA ANH LÀ GÌ TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI?
VÌ SAO CÁC THÀNH VIÊN HOÀNG GIA ĐEO NGỌC TRAI TRONG TANG LỄ NỮ HOÀNG ANH?
Tham khảo: Country Life, Royal Hats
Harper’s Bazaar Việt Nam