Nhà thiết kế Hà Linh Thư: Sáng tạo không ngừng

Hà Linh Thư nói về sáng tạo, phong cách sống và cách chị kể những câu chuyện truyền thống bằng ngôn ngữ thời trang đương đại

Tôi gặp và trò chuyện nhiều hơn với Hà Linh Thư khi chị chuẩn bị cho show diễn Xuân Hè 2023 mang tên Câu chuyện của những chiếc nơ. Không như mô hình thời trang phổ biến của thế giới (và Việt Nam hiện tại): nhà thiết kế thường có một cộng sự đồng hành, Hà Linh Thư là người phụ nữ độc hành. Chị tự thân quản trị thương hiệu mang tên mình, đi đi về về giữa Hà Nội – Sài Gòn để quán xuyến mọi việc. 

Hà Linh Thư

Chân dung nhà thiết kế Hà Linh Thư

Là một người Hà Nội sinh trưởng trong gia đình trí thức rồi theo thời trang, khi thương hiệu đã ổn định, chị mới Nam tiến vài năm gần đây. Hà Linh Thư, có thể nói, là một người làm thời trang theo nghĩa cổ điển của thời trang. Không chiêu trò hay tận dụng sức ảnh hưởng của KOL trong thời đại này, chị để thiết kế của mình tự lên tiếng và chứng minh giá trị. 

Mỗi năm, Hà Linh Thư đều tổ chức show diễn theo đúng hai mùa Xuân Hè và Thu Đông. Sàn diễn luôn theo tiêu chuẩn để tôn vinh các sáng tạo thời trang. Trình diễn là những người mẫu chuyên nghiệp để phô diễn trọn vẹn vẻ đẹp trang phục.

>>> XEM CHI TIẾT BST CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG CHIẾC NƠ / A TALE OF KNOTS

Về Câu chuyện của những chiếc nơ

Các thiết kế của Hà Linh Thư luôn chứa đựng các giá trị văn hóa cổ truyền. Mùa Xuân Hè 2023, chị mang cảm hứng từ chèo vào bộ sưu tập. “Câu chuyện của những chiếc nơ là cách để tôi tôn vinh ông ngoại: Nghệ sĩ Nhân dân, họa sĩ thiết kế sân khấu chèo Nguyễn Đình Hàm. Thuở ấu thơ, chứng kiến những sáng tạo của ông, hay nghe nhiều những câu chèo, mọi thứ cứ ngấm vào mình. Tôi nhớ lời thoại vở Thị Mầu, câu Thầy như táo rụng sân đình. Em như gái dở đi rình của chua là một trong những cảm hứng để tôi làm nên bộ sưu tập này”. 

Thiết kế mở màn bộ sưu tập Câu chuyện của những chiếc nơ

Thiết kế mở màn bộ sưu tập Câu chuyện của những chiếc nơ

Chị bảo văn hóa cổ truyền Việt kín đáo, ý nhị nhưng không thiếu phần táo bạo, phóng khoáng. “Chính ra chúng ta phải học theo các cụ, quyến rũ khoáng đạt nhưng không hề tầm thường”, chị đúc kết. Đó cũng là một trong những tôn chỉ sáng tạo thời trang của nhà thiết kế Hà Linh Thư. 

Câu chuyện của những chiếc nơ lấy cảm hứng từ chiếc nơ buộc bên trong trang phục chèo truyền thống. “Tiếc là tôi chẳng còn giữ lại thiết kế nguyên bản nào của ông ngoại”, chị trầm ngâm. Nhưng từ chiếc nơ cảm hứng ấy, nhà thiết kế đã biến tấu thành một bộ sưu tập đầy tính nữ. 

Hồn cốt dân tộc trong thiết kế của Hà Linh Thư

Hồn cốt dân tộc trong thiết kế của Hà Linh Thư

Vẻ đẹp của Chèo qua ngôn ngữ thời trang

Chị kể về chèo qua ngôn ngữ của thời trang. Các thiết kế tạo nên một tổng thể rực rỡ, bùng nổ sắc màu để tôn vinh những thân phận phụ nữ dám yêu dám sống và luôn khát vọng một tình yêu chân chính. Để làm nổi bật ý tưởng của bộ sưu tập, sàn diễn mang hình vuông, mô phỏng chiếc chiếu chèo. 

Ở mùa Xuân Hè 2023, Hà Linh Thư tập trung nhiều vào lụa, đũi, organza và nghệ thuật thêu thủ công. Hơn 50 thiết kế kết nối với nhau trong một mạch truyện, làm nên một tổng thể đương đại, rực rỡ. Mỗi bộ sưu tập của Hà Linh Thư luôn là một tổng thể nhất quán, để kể một câu chuyện cụ thể. 

Chúng ta dễ dàng nhận ra điều đó qua Beauty and the Beast (Thu Đông 2022), Welcome to the Jungle (Xuân Hè 2022), Sealed with a kiss (Thu Đông 2021)… 

Về danh xưng “người đàn bà nhung lụa” 

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Linh Thư đầu quân làm thiết kế cho một tờ báo, rồi mới rẽ hướng sang thời trang. Trường đại học cho chị một nền tảng vững vàng về mỹ thuật và thiết kế. Đây cũng là điểm mạnh để chị bước vào thời trang. 

Thoạt tiên, danh xưng “người đàn bà nhung lụa” khởi nguồn từ hai chất liệu chị sử dụng. Tiếp đó, chúng đại biểu cho phong cách sống. Dần dà, khái niệm này trở thành giá trị, DNA của thương hiệu Hà Linh Thư. 

Hà Linh Thư và con gái, bé Táo Thần

“Tôi nghĩ đó là một lời khen. Nhung lụa với tôi không chỉ là vật chất hữu hình mà còn mang ý nghĩa tinh thần. Thiết kế của Hà Linh Thư không phải lúc nào cũng nền nã, nhã nhặn. Với hai bộ sưu tập trong năm 2022 lấy cảm hứng từ rock, tôi cắt xẻ mạnh bạo lắm”, chị bộc bạch. 

“Nhưng vấn đề là mình cắt xẻ thế nào để không phô phang, dung tục, mà vẫn tôn vinh cơ thể người phụ nữ. Nhung lụa chính là ở chỗ ấy đấy!”, chị tiếp lời. 

 Một mình vận hành thương hiệu, Hà Linh Thư lo toan từ ý tưởng, chế tác đến các cửa hàng. 

Sáng tạo không ngừng

Thời trang là sáng tạo. Cái khó của thời trang là bạn đòi hỏi phải liên tục kiến tạo cái mới. Nếu không, Raf Simons đã chẳng phải “kiệt sức” vì guồng sáng tạo khắc nghiệt ở nhà mốt nổi tiếng. “Với một cá nhân, khối lượng công việc không hề ít, có khi nào chị cảm thấy quá tải hay bí ý tưởng?”, tôi hỏi.

“Bí ý tưởng thì hiếm lắm. Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, từ bé đã làm bạn với sách. Việc đọc mang đến cho tôi nền tảng và kiến thức nhất định, những ý tưởng hay câu chuyện văn hóa luôn dồi dào”.

– NTK Hà Linh Thư.

“Nhưng thú thật, cái khó là biến ý tưởng ấy thành hiện thực theo đúng ý mình. Việc vận hành cùng lúc hai cửa hàng ở Hà Nội, Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các thiết kế của tôi đa phần là chế tác thủ công, mọi thứ lại càng khó khăn hơn. Nhất là trong giai đoạn Covid-19 và khi thị trường thời trang đang bão hòa như hiện tại”, chị chia sẻ. 

Các sáng tạo thời trang của Hà Linh Thư có một lượng khách hàng riêng. Những người phụ nữ đa phần từ khách hàng rồi trở thành thân thiết với nhà thiết kế. Họ đồng điệu với nhau trong phong cách sống và nhiều quan điểm cuộc sống. Chị bảo: “Tôi gọi đó là thị trường ngách của Hà Linh Thư. Họ là những phụ nữ thành đạt, có gu, trân trọng các giá trị, cái đẹp và luôn biết mình muốn gì trong đời”. 

Thanh Thảo trong thiết kế khép lại bộ sưu tập Câu chuyện của những chiếc nơ

Thanh Thảo trong thiết kế khép lại bộ sưu tập Câu chuyện của những chiếc nơ

Tô điểm cho không gian sống với Hà Linh Thư Casa

Khi mới Nam tiến, Hà Linh Thư phân bổ thời gian giữa Hà Nội – Sài Gòn. Đến Covid-19, chị mới có thời gian lưu lại Sài Gòn dài ngày và quyết định chọn nơi này là quê hương thứ hai. Có dịp ghé thăm không gian sống của Hà Linh Thư, bạn sẽ nhận ra nơi này ngập tràn mỹ cảm. Đó cũng là cách để chị nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ trong mình, phục vụ cho sáng tạo thời trang. 

Khay sơn mài chế tác thủ công, họa tiết độc quyền thuộc Hà Linh Thư Casa

Khay sơn mài chế tác thủ công, họa tiết độc quyền thuộc Hà Linh Thư Casa. Ảnh: Hà Linh Thư

Nhà thiết kế người Hà Nội chăm cắm hoa tô điểm không gian sống và chế tác các vật phẩm phong cách sống. Nhiều vật phẩm sơn mài thuộc Hà Linh Thư Casa, dòng sản phẩm phong cách sống chị đang phát triển. Hà Linh Thư Casa là các thiết kế mang đậm dấu ấn đương đại kết hợp văn hóa cổ truyền, đồng điệu với thời trang. Chính vì thế, dòng sản phẩm nội thất này cũng có một lượng khách hàng ngách như thời trang. 

Gối tựa họa tiết thiết kế độc quyền

Đây cũng là xu hướng phổ biến trong thời trang thế giới. Hiện nay, ngày càng nhiều nhà thiết kế Việt phát triển thương hiệu theo hướng này, chị nghĩ gì? 

“Tôi nghĩ đó là điều tất yếu. Càng đông càng vui, thị trường ngày càng nhộn nhịp là tín hiệu đáng mừng cho ngành thời trang nước nhà và cho người tiêu dùng. Chúng ta cứ để thị trường quyết định. Đó sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho mọi điều!”

– Hà Linh Thư.

>>> ĐỌC TIẾP: NGÔI NHÀ ĐẦY HOA CỦA “NGƯỜI ĐÀN BÀ NHUNG LỤA” HÀ LINH THƯ

Photo: Kiếng Cận Team
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm