Hai thập kỷ xây dựng niềm tin y đức của Lệ Thu & Jean-Marcel Guillon

Phong thái tự do, phóng khoáng và nồng nhiệt chính là ấn tượng về bác sĩ Jean-Marcel Guillon và người vợ xinh đẹp Lệ Thu.

Bác sĩ Jean-Marcel và doanh nhân Lệ Thu.

Bác sĩ Jean-Marcel và doanh nhân Lệ Thu.

Trải qua gần hai thập kỷ gặp nhau, đồng hành trong công việc và hôn nhân, vợ chồng doanh nhân Lệ Thu và bác sĩ Jean-Marcel đã viết nên chuyện tình thật đẹp.

Chàng là Mr. Crazy vượt bao thử thách, mạo hiểm trên hành trình theo đuổi ước mơ y học thuở nhỏ. Nàng là Lady Sexy mỹ miều, sống trọn với ý niệm vượt khỏi vùng an toàn để khám phá tiềm năng bản thân. Hai tâm hồn đã có một điểm chạm kể từ khi chung tay xây dựng và phát triển Bệnh viện FV. Giữa ma trận sự nghiệp và tình yêu, họ đi qua bao thăng trầm để có được đáp án của hiện tại: sự viên mãn.

Trong buổi phỏng vấn Jean-Marcel và Lệ Thu, Harper’s Bazaar có cơ hội nghe về hành trình xây dựng Bệnh viện FV và cuộc sống thú vị của hai vợ chồng.

Bệnh viện FV: Thành quả hơn 20 năm nỗ lực

Từ ngày đầu thành lập

Trước tiên, không thể không nhắc đến công trình Bệnh viện FV mang tâm huyết hơn 26 năm của bác sĩ Jean-Marcel Guillon, vốn đã thay đổi cuộc đời anh với những cơ duyên không ngờ. Mang tư duy của nhà thám hiểm đi qua nhiều nơi trên thế giới, trải nghiệm và tham gia nhiều dự án cộng đồng, anh đã dừng chân ở Việt Nam và bắt đầu sứ mệnh phát triển dự án: Đầu tư phát triển một bệnh viện quốc tế ở Việt Nam cho người Việt Nam. Thật chính xác nếu nói rằng Jean-Marcel là người có tầm nhìn xa, cũng có khả năng chấp nhận thử thách để hiện thực hóa thành công của mình.

Bác sĩ Guillon cùng chín sáng lập viên trải qua vô vàn khó khăn không tưởng trong quá trình làm thủ tục và gọi vốn đầu tư tại thị trường Việt Nam. Anh chia sẻ:

“Mọi thứ đã không diễn ra đúng như mong đợi đối với các nhà đầu tư ban đầu. Họ hết tiền và thực sự không thể đi tiếp. Nhóm các bác sĩ còn lại và tôi quyết định tiếp tục dự án. Tất cả các đối tác đều đã kết hôn, con còn nhỏ và đang làm việc tại các bệnh viện ở Pháp. Không ai trong số họ nói được tiếng Anh đủ để giao tiếp.

Trong khi tôi thì ngược lại, lúc đó vừa trở về Pháp sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, đang trong thời gian nhàn rỗi để tìm hiểu xem mình muốn làm gì. Hơn nữa tôi cũng đang độc thân, lại nói được tiếng Anh nên được cử qua Việt Nam để bắt đầu tìm hiểu và phát triển dự án”.

Vì vậy, đây không chỉ là dự án mang màu sắc cá nhân mà là “hiện tượng” khởi đầu cho xu hướng thu hút FDI vào lĩnh vực y tế ở Việt Nam. Guillon, đại diện cho các nhà sáng lập viên, kiên trì thực hiện mọi thứ hoàn chỉnh bất kể bao nhiêu lần thất bại. Với người đàn ông này, chỉ cần cố gắng cùng một chút chất “điên”, thì dù gian nan thế nào, anh và các đối tác cũng sẽ vượt qua.

Sau nhiều lần thất bại trong việc kêu gọi vốn đầu tư, Jean-Marcel đã nhận được sự tư vấn của người đại diện International Finance Corporation (IFC – Tổ chức Tài chính Quốc tế) tại Việt Nam, ông Wolfgang Bertelsmeier.

“Tôi bật cười khi nhớ lại sự thật thà của mình, lúc đó mọi câu trả lời của tôi đều là “không” trước chuỗi câu hỏi của ông ấy: Anh có kế hoạch không, anh đã bao giờ quản trị và điều hành một bệnh viện, anh có hiểu gì về Việt Nam không, anh có kế hoạch phát triển và kinh doanh chưa…”.

Tuy nhiên, Wolfgang cảm nhận được sự quyết tâm của Jean-Marcel và hướng dẫn anh các bước tiền đề quan trọng sau đó.

Sau nhiều năm nỗ lực kết hợp với giải pháp gây quỹ từ cộng đồng, Bệnh viện FV đã kêu gọi được 499 cổ đông và được chấp thuận cho vay vốn từ tổ chức IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới), ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á), Proparco và Ngân hàng BIDV của Việt Nam. Đó là cách mà Bệnh viện FV bắt đầu.

Chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 3–2003, mười ba năm sau, FV là bệnh viện đầu tiên đạt chứng nhận chất lượng JCI (Joint Commission International – Chứng nhận chất lượng thể hiện sự xuất sắc trong việc cam kết và đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về điều trị và chăm sóc bệnh nhân). Hàng năm, FV tiếp nhận điều trị gần 250 ngàn lượt bệnh nhân, trong đó 25% là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Đây quả là một hành trình gian nan, cũng đầy huy hoàng của bác sĩ Guillon, các nhà đồng sáng lập và đội ngũ nhân viên ưu tú.

Thương vụ mua bán sáp nhập thành công

Chặng đường hơn hai thập kỷ xây dựng niềm tin y đức của Lệ Thu & Jean-Marcel Guillon

Không thể nào phủ nhận mỗi thành tựu trong cuộc đời đều là cột mốc của quá trình nỗ lực bền bỉ. Sự kiện Bệnh viện FV là thành viên chính thức của tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu Singapore, Thomson Medical Group, chính là một trong những cột mốc đáng nhớ.

Thương vụ trị giá hơn 9.000 tỉ, lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, không chỉ là tin vui đối với Bệnh viện FV mà còn là điểm sáng của đất nước trên bản đồ dịch vụ y tế thế giới. Hơn cả sự hợp tác mang tính quốc tế, chất lượng chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được nâng cao thông qua sự giao thoa về chuyên môn y khoa, cơ sở hạ tầng và tiềm năng của hai bên.
Mặc dù thương vụ “nghìn tỉ” đã thực hiện thành công, nhưng bác sĩ Jean-Marcel Guillon vẫn chắc chắn một điều: “Tôi yêu bệnh viện này. Hai mươi sáu năm qua là công trình của cuộc đời tôi, là kết quả của tập thể – lực lượng lao động, bác sĩ, điều dưỡng, quản lý cực kỳ giỏi. Vì vậy, tôi muốn tiếp tục làm việc. Thậm chí trong tương lai, mua du thuyền để du ngoạn khắp thế giới không phải là thứ tôi mơ ước. Tôi không quan tâm đến việc dành thời gian để dưỡng già”.

Tình nhân, tri kỷ và cộng sự trời ban

Doanh nhân Lệ Thu

Lệ Thu là người phụ nữ đẹp xứ Vinh, là một “rắc rối” mà Jean-Marcel biết anh không thể cưỡng lại kể từ lần đầu gặp nhau. Sau ba tháng được người tuyển dụng thuyết phục, chị đã đến buổi phỏng vấn và chứng minh khí phách cần có ở vị trí Giám đốc Tiếp thị & Phát triển Kinh doanh tại Bệnh viện FV. Ngay ở lần đầu tiên, chị Lệ Thu đã thấy được sự chân thành trong cách Jean-Marcel chia sẻ về khó khăn của bệnh viện.

Gia nhập đội ngũ, Lệ Thu ghi dấu ấn quan trọng trong thành công của chiến dịch truyền thông định vị thương hiệu Bệnh viện FV. Là nữ doanh nhân, cánh tay phải trong đối ngoại và chiến lược kinh doanh, nhưng khi về với cuộc sống riêng, chị là người phụ nữ nhỏ bé của ông xã.

Chị kể: “Mr. Crazy, hoặc đôi khi ‘ông Tây’, là cách tôi gọi người bạn đời của mình. Kể từ khi tình yêu chạm ngõ vào giây phút bối rối ban đầu, tôi biết mình sẵn sàng “đốt mình”, cho phép bản thân nhận được nguồn cảm hứng bất tận của tình yêu”.

Cả hai từng đi qua những cãi vã nảy lửa vì khác biệt quan điểm trong công việc và cuộc sống. Mâu thuẫn có lúc tưởng chừng như chạm đáy. Để rồi tia lửa tình dần bén ngọn với sợi dây liên kết vô hình, kéo họ về bên nhau một cách kỳ lạ nhất.

Đối với bác sĩ Jean-Marcel, anh thấu hiểu và yêu chiều vợ của mình thông qua từng điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật. “Tôi hôn vợ mỗi tối trước khi ngủ, nói lời âu yếm mỗi sáng với Lady Sexy, đồng thời hiểu thói quen ăn uống, gu ăn mặc của cô ấy”. Phiêu lưu, lãng mạn, mỗi một cách thể hiện rất riêng của anh đã cho Lệ Thu thấy rằng: Trong mỗi chặng đường họ qua, yêu thương đã được trao gửi trọn vẹn nhất.

Cả hai còn là những người cộng sự phối hợp nhịp nhàng, công việc được thảo luận dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Một người tin tưởng, một người có năng lực – anh và chị đã cùng nhau phát triển bệnh viện.

@harpersbazaarvietnam Phỏng vấn vui bác sĩ Jean Marcel Guillon, sáng lập bệnh viện FV, và vợ, Lệ Thu Guillon, sáng lập thương hiệu thời trang Mr Crazy & Lady Sexy và Fashionista Cafe. Tập đoàn Thomson Medical của Singapore vừa mua lại bệnh viện, mang lại hy vọng về một giai đoạn mới về đầu tư ngoại trong lĩnh vực y tế của Việt Nam. #fvhospital #benhvienfv #mrcrazyladysexy #fashionistacafé #phongvanvui #phongvan #funinterview ♬ original sound – HarpersBazaarVN

>> XEM THÊM: DOANH NHÂN LỆ THU GUILLON LÀM CỐ VẤN THỜI TRANG CHO MISS COSMO VIETNAM 2023

Niềm tin trong y học

Nói về bản chất của y học, nó thường dễ khiến ta suy nghĩ đến nỗi bất an về ốm đau, dao kéo, thuốc men khó lường… Tuy nhiên tư tưởng trọng tâm tại Bệnh viện FV chính là cảm giác ấm áp nhưng cũng đầy niềm tin.

“Quan trọng là lòng tin. Bệnh nhân nên đặt lòng tin vào chúng tôi. Họ nên tin rằng mình sẽ được chăm sóc và điều trị tốt nhất. Đây là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm đến cộng đồng, muốn truyền cho họ niềm tin vào những gì chúng tôi đang làm” – Guillion thẳng thắn về quan điểm này.

Câu “đồng vợ đồng chồng” thật đúng khi dùng để mô tả anh chị trong trường hợp này. Để rồi ở chặng cuối của chuyến phiêu lưu hơn 26 năm trời, cả hai có thể tự hào về cuộc sống trọn vẹn mà họ đã nỗ lực để có được.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm