Mỹ phẩm thiên nhiên có thực sự bền vững như ta nghĩ?

“Lành tính”, “thân thiện với môi trường”, “không độc hại”... là những cụm từ ta thường nghe khi nhắc đến mỹ phẩm thiên nhiên. Thế nhưng, liệu mỹ phẩm thiên nhiên có thực sự tốt cho môi trường như ta thường nghĩ?

Mỹ phẩm thiên nhiên có thật sự bền vững?

Mỹ phẩm thiên nhiên có bền vững? Ảnh: Shutterstock

Khi trào lưu làm đẹp thân thiện với môi trường lên ngôi, hầu hết chúng ta đều cho rằng mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hay “organic” tốt hơn mỹ phẩm chứa hóa chất tổng hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, một số thành phần tự nhiên như dầu cọ, vanilla, chiết xuất từ các loài hoa… lại tác động tiêu cực đến môi trường nhiều hơn ta nghĩ. Thay vào đó, các thành phần nhân tạo có đặc tính và tác dụng tương tự lại là lựa chọn tối ưu.

Thế nào là làm đẹp bền vững?

Thế nào là làm đẹp bền vững?

Ảnh: Pexels

Hiện nay, phát triển bền vững đã trở thành xu thế toàn cầu trong mọi lĩnh vực. Ngành công nghiệp làm đẹp cũng không nằm ngoại lệ. Làm đẹp bền vững là phương thức làm đẹp giảm thiểu tác hại đến môi trường tự nhiên, động vật và con người. Nhiều thương hiệu mỹ phẩm đã và đang áp dụng tiêu chí này vào quá trình chọn lọc nguyên liệu và sản xuất sản phẩm.

>>> XEM THÊM: BAO BÌ MỸ PHẨM: 3 CÁCH CẢI THIỆN ĐỂ HẠN CHẾ RÁC THẢI NHỰA

Sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên có đồng nghĩa với bảo vệ môi trường?

Nhiều người tin rằng sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên ít gây ô nhiễm môi trường vì chúng có khả năng phân hủy sinh học. Năm 2017, một nghiên cứu của Statista cho thấy 58% người tiêu dùng ở Mỹ tìm kiếm mỹ phẩm thiên nhiên hay organic khi mua sắm. Tại Anh, các cụm từ “thành phần tự nhiên”, “không chất bảo quản”, “không độc hại” cũng được tìm kiếm nhiều nhất.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mỹ phẩm thiên nhiên chưa chắc đã bền vững. Trào lưu làm đẹp từ mỹ phẩm thiên nhiên bùng nổ nhiều năm trở lại đây. Các thương hiệu liên tục tung ra thị trường những sản phẩm gắn mác “thân thiện với môi trường”. Để sản xuất một lượng lớn mỹ phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cần một lượng nguyên liệu khổng lồ. Từ đó dẫn đến hiện tượng chặt phá rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên có đồng nghĩa với bảo vệ môi trường?

Ảnh: Pexels

Một ví dụ điển hình là dầu cọ. Dầu cọ là thành phần tự nhiên thường thấy trong mỹ phẩm, có tác dụng dưỡng ẩm và chống lão hóa da. Thế nhưng, để trồng cây dầu cọ, nhiều khu rừng nhiệt đới đã bị đốn hạ và đốt cháy, gây xáo trộn trong cộng đồng địa phương, đẩy nhiều loài động vật đến bờ vực tuyệt chủng.

Việc sản xuất nước hoa cũng không ngoại lệ. Phần lớn chúng ta yêu thích những chai nước hoa có tinh chất tự nhiên như oải hương, hoa hồng… Thế nhưng, để sản xuất 0,5kg tinh dầu oải hương, ta cần khoảng 114kg hoa oải hương. Trong khi đó, 0,5kg tinh dầu hoa hồng cần đến khoảng 4.500kg cánh hoa hồng.

>>> XEM THÊM: NHỮNG TỪ KHÓA TRÊN BAO BÌ MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN BẠN CẦN HIỂU TRƯỚC KHI MUA

Đến lúc xóa bỏ định kiến về hóa chất tổng hợp

Giải pháp thay thế các thành phần tự nhiên.

Ảnh: Shutterstock

Không phải mọi hóa chất đều ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường. Trên thực tế, nhiều thành phần được tạo ra dựa trên mô phỏng sinh học từ tự nhiên. Quay lại thời điểm những năm 1850, hóa học hữu cơ đã khám phá ra thành phần tự nhiên được tạo thành từ các phân tử. Từ đó, các nhà khoa học đã tổng hợp lại và tạo ra những phân tử có cấu tạo, chức năng giống với bản gốc.

1. Giải pháp thay thế các thành phần tự nhiên

Ngày nay, các nhà khoa học đang nỗ lực chế tạo một số thành phần mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh.

2. Thành phần lên men thay thế dầu cọ

Một số tổ chức đã nghiên cứu sử dụng quy trình lên men để tạo ra một thành phần giống với dầu cọ tự nhiên về mặt hóa học. Thành phần này đã được kiểm chứng an toàn cho người dùng và có thể kiểm soát được.

3. Lên men từ mía thay thế long diên hương

Long diên hương cực kỳ quý hiếm và đắt đỏ, thường chỉ sử dụng trong những dòng nước hoa cao cấp. Để giải quyết tình trạng khan hiếm nguyên liệu, Givaudan – công ty sản xuất hương liệu và nước hoa hàng đầu Thụy Sĩ, đã sử dụng quá trình lên men từ mía, tạo ra mùi hương ấm áp và quyến rũ tương tự long diên hương.

4. Tái chế để tiết kiệm nguyên liệu

Thông thường, các công ty chỉ sử dụng một vài bộ phận của cây như rễ, hạt, quả… trong công thức của họ và bỏ đi phần còn lại. Theo Nilsen, Givaudan đang tìm cách tái chế các thành phần đó. Họ sử dụng hóa học xanh để tạo ra một thành phần có giá trị cao, điển hình là dầu táo. Sau khi chiết xuất dầu, chất thải cuối cùng sẽ được chuyển đi làm thức ăn cho gia súc.

Hãy lựa chọn những mỹ phẩm thiên nhiên có chứng nhận quốc tế.

Ảnh: Unsplash

Nhìn chung, không thể phủ nhận rằng một số hóa chất trong mỹ phẩm như paraben, glycon, silicon… vẫn khiến người dùng hoài nghi về lợi ích của hóa chất tổng hợp. Tuy nhiên, cả thành phần tự nhiên và nhân tạo đều sở hữu những ưu nhược riêng. Biết cách khai thác và sử dụng hợp lý sẽ giúp ngành công nghiệp làm đẹp ngày càng phát triển, đồng thời giảm thiểu tác hại đến môi trường. Thế nhưng, nếu bạn vẫn muốn sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên, hãy đảm bảo lựa chọn những sản phẩm có chứng nhận quốc tế như COSMOS, NATRUE.

>>> XEM THÊM: 4 THƯƠNG HIỆU MỸ PHẨM THUẦN CHAY NỔI TIẾNG, ĐÁNG TIN CẬY

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm