Miss Universe thay đổi định hướng, một số đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn Vũ địa phương ngừng hợp tác

Trước những thay đổi trong mô hình và định hướng kinh doanh của tổ chức Miss Universe quốc tế, một vài đơn vị nắm giữ bản quyền địa phương tại các quốc gia đã tuyên bố chấm dứt mối quan hệ. Tuy nhiên, sự việc chưa ngã ngũ.

Trên trang fanpage, đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam – công ty Unicorp và Unimedia – vừa thông báo sẽ ngừng cử đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Miss Universe quốc tế. Công ty này cho biết nguyên nhân phát sinh từ việc tổ chức Miss Universe thay đổi chủ sở hữu, do đó định hướng kinh doanh của chủ sở hữu mới không còn phù hợp với chiến lược và mục tiêu phát triển của mình.

Hoa hậu Hoàn vũ Belize 2022 Ashley Lightburn là người cuối cùng được tổ chức Miss Universe Belize gửi đến cuộc thi quốc tế dự thi. Ảnh: Instagram @missuniversebelize

Không chỉ riêng Việt Nam, một vài tổ chức ở quốc gia khác cũng vừa có tuyên bố tương tự. Các nhà tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ tại Ghana và Belize cũng thông báo không gửi người tham dự cuộc thi Miss Universe quốc tế năm nay. Còn tại Seychelles và Mauritius, giám đốc quốc gia đã nghỉ việc và chuyển giao cương vị, do không đồng ý với những thay đổi.

Được biết, những tranh cãi xảy ra do những thay đổi trong cách vận hành mới do tổ chức Miss Universe đề ra.

Theo phương thức cũ, Miss Universe quốc tế ký hợp đồng lâu dài với một đại diện tại từng quốc gia. Thậm chí, có đơn vị đã duy trì hợp đồng này đến 30 năm, ví dụ như công ty Yayasan Puteri Indonesia (YPI). Trong khi đó, phương thức mới yêu cầu mỗi năm lại tái đấu thầu bản quyền tổ chức cuộc thi tại các quốc gia. Có nguồn tin cho rằng đơn vị trả giá cao nhất sẽ trúng thầu.

Cũng có nguồn tin cho rằng tập đoàn JKN Global Group, chủ nhân mới của Miss Universe, muốn chọn lọc lại các đối tác có năng lực và có tâm để tổ chức cuộc thi tốt hơn.

Á hậu Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022 Thảo Nhi Lê từng dự kiến là người đại diện Việt Nam ở Miss Universe 2023. Ảnh: Kiếng Cận Team for MUVN

Quá trình thay đổi này không thể tránh gây ra những tranh cãi. Có ý kiến cho rằng phương thức này có thể gây ra một cuộc chiến đấu giá khắc nghiệt. Nếu không phải cùng một công ty tổ chức trong nhiều năm liền, sự gián đoạn trong giai đoạn chuyển giao có thể xảy ra, và thí sinh không được hỗ trợ một cách tối ưu nhất.

Đơn cử ở Việt Nam: Khi Unicorp tuyên bố không gửi thí sinh đi thi Miss Universe năm nay, nhiều fan của cuộc thi hiện lo lắng cho Thảo Nhi Lê. Cô là Á hậu Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022 do Unicorp tổ chức. Thảo Nhi được xem là “chiến binh ngàn máu” do vừa xinh đẹp, thông minh, giỏi tiếng Anh lại liên tục hoạt động xã hội. Các fan kỳ vọng cô sẽ lọt top cao tại đấu trường quốc tế. Nhưng bây giờ, chưa biết rõ liệu cô còn có cơ hội đại diện Việt Nam trong cuộc thi sắc đẹp lớn nhất toàn cầu này hay không.

>>> XEM THÊM: SỰ THÔNG MINH CỦA Á HẬU THẢO NHI LÊ TOÁT RA TỪ CHÍNH LỰA CHỌN PHỤC TRANG

Laksmi Deneefe Suardana, Hoa hậu Hoàn Vũ Indonesia 2022 đồng lòng cùng tổ chức Yayasan Puteri Indonesia, thể hiện sự bất bình khi đơn vị này mất quyền tổ chức. Ảnh: Instagram @officialputeriindonesia

Ông Nevin Rupear, giám đốc thương hiệu Hoa hậu Hoàn Vũ tại Seychelles và Mauritius, người vừa tuyên bố sẽ nghỉ việc, cho rằng: Mô hình mới không tạo sự trung thành cho thương hiệu Miss Universe. Không công ty nào sẽ sẵn sàng “trải thảm, lót đường” cho một công ty khác trước khả năng bị mất quyền tổ chức vào năm kế tiếp.

Còn YPI, sau khi biết tin rằng một công ty khác đã thắng thầu tổ chức Miss Universe ở Indonesia, chỉ có thể tỏ thái độ thất vọng khi tuyên bố thông tin trên Instagram chính thức.

Chưa rõ số phận các thí sinh Miss Universe sẽ ra sao khi thay đổi đơn vị tổ chức địa phương.

Cuối cùng, việc Miss Universe yêu cầu tái đấu thầu quyền tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ địa phương hàng năm cũng có thể không khả thi vì lý do khác biệt pháp lý giữa các quốc gia.

Đơn cử như tại Việt Nam, tên cuộc thi “Hoa hậu Hoàn Vũ” hiện thuộc bản quyền sở hữu của Unicorp và Unimedia. Đơn vị này đã bắt tay cùng tổ chức Miss Universe quốc tế từ năm 2008 đến nay. Tin hành lang cho rằng công ty Elite đã ký hợp đồng để trở thành đối tác mới của Miss Universe quốc tế tại Việt Nam. Theo luật Việt Nam, cuộc thi hoa hậu phải dùng tên tiếng Việt. Vậy đối tác mới của Miss Universe sẽ phải tìm một tên tiếng Việt mới phù hợp, hoặc thương lượng với Unicorp để lấy lại tên tiếng Việt.

Unicorp tuyên bố sẽ tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2023 sắp tới. Vấn đề đặt ra là điều này có phù hợp với thông lệ quốc tế không? Và liệu các thí sinh có muốn tham dự một cuộc thi mà người chiến thắng sẽ không được đại diện Việt Nam đi thi quốc tế không?

Chân dung Ann Jakrajutatip, nữ triệu phú Thái Lan vừa mua lại thương hiệu Miss Universe. Ảnh: Instagram @annejkn.official

Cho đến giờ vẫn chưa có gì ngã ngũ. Tuy nhiên, theo triệu phú Thái Lan Ann Jakrajutatip – nhà sáng lập JKN Global, tập đoàn mua lại Miss Universe với mức giá 20 triệu đô-la Mỹ – thì những vấn đề trên phát sinh từ sự hiểu lầm khi trao đổi đa ngôn ngữ. Trên Instagram cá nhân, bà viết: “Chúng tôi không nói rằng đơn vị nào đấu thầu cao nhất thì sẽ được trao quyền tổ chức. Mà chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra được đơn vị nào sẽ đầu tư nhiều nhất cho [thương hiệu]”.

Được biết hiện nay bà Ann Jakrajutatip đang bay đến các quốc gia để có sự thảo luận với các đối tác. Hy vọng chuyến đi của bà đến Việt Nam sắp tới sẽ giải toả được tất cả các vướng mắc này.

Và dù điều gì xảy ra, hy vọng Lê Thảo Nhi vẫn sẽ có thể có cơ hội thay mặt Việt Nam tại Miss Universe 2023.

Trích dẫn The National News
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm