Marie Antoinette một tay hủy hoại nền công nghiệp tơ lụa Pháp vì chiếc áo Chemise à la Reine

Thiết kế do Marie Antoinette sáng chế, chiếc áo Chemise à la Reine, là một nguồn căn đau đầu đối với chính phủ Pháp, ở cả yếu tố chính trị lẫn kinh tế

Marie Antoinette một tay hủy nền công nghiệp tơ lụa Pháp vì chiếc áo Chemise à la Reine

Chiếc áo chemise à la reine của Hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette là nguyên nhân khiến cotton trở thành chất liệu được sản xuất đại trà nhất thế giới

Chiếc áo “rẻ tiền” của Marie Antoinette

Bà hoàng nước Pháp Marie Antoinette nổi tiếng là tạo nên nhiều trào lưu thời trang và làm đẹp. Với sự giúp đỡ của thợ may hoàng gia Rose Bertin*, Marie Antoinette đã khiến nhiều bộ váy xa hoa và kiểu tóc pouf trở thành xu hướng thời thượng lúc bấy giờ.

*Với cương vị thợ may hoàng gia, có thể xem Rose Bertin là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng đầu tiên của Pháp.

Dù bị chỉ trích bởi lối sống xa xỉ và phô trương, Marie Antoinette lại là người đã phát minh nên chiếc chemise à la reine mức giá khá bình dân.

Đây là một loại áo đầm sơ-mi trắng rộng. Nó có dây cột nhẹ quanh eo, nhưng không mặc kèm corset. Nó được làm từ chất liệu rẻ tiền: cotton muslin. Thiết kế này rất dễ chịu để mặc ngủ, hoặc mặc như loungewear tại nhà.

Nhờ chiếc áo này mà cotton đã lan tỏa đi toàn cầu, trở thành chất liệu phổ biến nhất ngày nay.

>>> Xem thêm: VÌ SAO COTTON LÀ CHẤT LIỆU NÊN TUYỆT ĐỐI TRÁNH MẶC TRONG NGÀY MƯA BÃO

Scandal xoay quanh chiếc áo chemise à la reine

Marie Antoinette đã mặc chiếc chemise à la reine này cho bức họa chân dung (ảnh trên) do danh họa Elisabeth Vigée-Lebrun thực hiện năm 1783. Ngay khi bức chân dung này được hoàn thành, nó đã gây nên bão tố tại châu Âu.

Về một mặt, các quý bà rất thích sản phẩm này. Nó thật thoải mái và dễ chịu. Không bị corset gò bó, các quý bà quý cô có thể thở và vận động thoải mái. Ngay lập tức, chiếc áo cotton này được giới thượng lưu tại Pháp và Anh học theo.

Về mặt khác, nó lại khiến dân Pháp càng căm ghét Marie Antoinette.

Vốn, trước khi bức chân dung này hoàn thành thì Marie Antoinette đã có một cuộc sống phóng túng đầy scandal. Bà không phải là quý tộc Pháp. Khi cưới vua Louis XIV, bà cũng chẳng hề tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt của hoàng tộc quốc gia này. Rose Bertin, thợ may hoàng gia yêu thích của bà, là dân thường do chính Marie Antoinette chọn lựa chứ không phải một thành viên được hoàng gia tuyển chọn.

Lối sống đầy thị phi của Marie Antoinette tốn giấy mực báo giới. Bà không giống như một vị hoàng hậu thục lương, an yên theo kiểu truyền thống mà dân Pháp kỳ vọng. Việc xuất hiện trên bức họa với một chiếc áo trông hệ như áo ngủ khiến bà chẳng khác nào lũ đĩ điếm khoe nội y ngoài phố!

Chiếc áo đe dọa đến nền kinh tế Pháp…

Khi không mặc trang phục làm từ nhung lụa thông thường, Marie Antoinette xoá mờ lằn ranh giữa giàu nghèo, cho thấy rằng người thường cũng có thể ăn mặc như giới quý tộc. Điều này làm ảnh hưởng đến lề lối xã hội Pháp thời phong kiến. Ảnh: Tranh sơn dầu do Elisabeth Vigée-Lebrun vẽ, năm 1783.

Trong khi giới thường dân tức giận trước phong cách sống của Marie Antoinette, giới doanh nhân và quý tộc lại đau đầu vì hậu quả kinh tế đến từ chiếc chemise à la reine.

Chiếc áo này vốn được làm từ vải cotton muslin. Mà chất liệu này không do Pháp sản xuất. Cotton muslin thời bấy giờ chủ yếu là mặt hàng Anh Quốc, vì đế chế Anh sở hữu Ấn Độ, khu vực trồng cotton chính lúc bấy giờ.

Phái đẹp châu Âu, vì mê mệt thiết kế thoải mái này, đổ xô đi mua vải cotton muslin để may phiên bản cho riêng mình. Kết quả là lụa tơ tằm, thứ hàng nội địa của Pháp, không thể xuất khẩu. Điều này gây thiệt hại nặng cho kinh tế Pháp.

Năm 1783, Marie Antoinette xuất hiện trong chiếc chemise à la reine. Năm 1793, bà bị xử tử, hành quyết tại pháp trường Paris. Chỉ trong một thập kỷ ngắn ngủi, bà đã nâng đỡ ngành cotton, đồng thời tự tay giết chết ngành tơ lụa Pháp vì quảng bá cho chiếc chemise à la reine.

…đồng thời góp phần tạo nên chế độ nô lệ tại Mỹ châu

chiếc áo Chemise à la Reine biến cotton thành chất liệu được ưa chuộng nhất mọi thời đại

Chiếc áo Chemise à la Reine biến cotton thành chất liệu được ưa chuộng nhất mọi thời đại, soán ngôi tơ lụa

Cuối thế kỷ 18, sự bùng nổ của chiếc áo chemise à la reine gây nên cơn sốt chất liệu vải cotton. Một thập kỷ sau khi Marie Antoinette bị hành hình, cotton soán ngôi lụa, trở thành thứ vải thịnh hành nhất châu Âu.

Ấn Độ không còn khả năng sản xuất đủ cotton để đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Đế chế Anh bắt đầu tìm một địa phận khác phù hợp để trồng thứ bông gòn này. Giải pháp của họ là Bắc Mỹ. Nơi này đất rộng, bằng phẳng, còn nhiều diện tích để khai thác.

Khi người Anh di cư sang Mỹ để thành lập đồn điền trồng bông gòn, họ đồng thời mang theo nô lệ đến để canh tác, gặt hái. Những người nô lệ này chủ yếu là dân da đen bị cưỡng bức, bắt cóc từ châu Phi.

Theo quyển sách về lịch sử nô lệ tại Mỹ, American Slavery: 1619 – 1877 của tác giả Peter Kolchin, miền nam nước Mỹ sản xuất 3000 kiện bông (một kiện khoảng 217,7kg) vào năm 1790. Đến năm 1810, con số này là 178,000 kiện bông. Và đến giữa thế kỷ 19, nó tăng lên gấp 20 lần nữa. Tương tự, số nô lệ tại Mỹ tăng từ 654,000 người vào năm 1790 đến hơn 1,1 triệu người năm 1810.

Chemise à la reine là chiếc áo nữ quyền đầu tiên

Chemise à la reine trên những bức họa chân dung các quý nữ Tây Phương. Từ trái sang: Elizabeth Foster, (năm 1785). Lady Lemon, (năm 1788). Kitty Calcraft, (vẽ năm 1787).

Bỏ qua tất cả mọi vấn đề về kinh tế, chiếc áo chemise à la reine lại là một tạo phẩm đáng hoan nghênh. Có thể xem nó như một món trang phục giúp giải phóng phụ nữ khỏi gông xiềng là chiếc corset.

Trong ánh mắt của đám đông, chiếc áo chemise à la reine tượng trưng cho cách Marie Antoinette chống lại quyền lực của hoàng gia Pháp. Phải rời quê hương Áo đến Pháp khi mới 15 tuổi, nơi bà chẳng hiểu tình hình chính trị. Rồi đối mặt với một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Việc sống xa hoa không nề hà thiên hạ là cách Marie Antoinette tìm lại quyền lực cá nhân, tìm cách kiểm soát cuộc đời.

Chính vì lý do này, có thể xem chiếc áo chemise à la reine như một trang phục nữ quyền. Nhẹ nhàng, thoải mái, không câu nệ phải làm từ chất liệu đắt tiền hay rẻ rúng, miễn sao nó phù hợp với ý thích cá nhân.

>>> Xem thêm: THỜI TRANG THẾ KỶ XVIII: ROCOCO VÀ MARIE ANTOINETTE

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm