Louis Vuitton, Prada và Valentino thay đổi logo cho dòng sản phẩm tái chế

Việc thay đổi logo giúp người dùng dễ nhận diện các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường khi được làm từ nguyên vật liệu tái chế (recycle)

Việc phát triển bền vững không còn là một xu hướng. Đó là sự thay đổi thiết yếu để tồn tại. Và các nhà mốt thời trang chứng tỏ sự ủng hộ của mình với việc phát triển bền vững bằng cách thay đổi logo nhận diện cho các sản phẩm được làm bằng chất liệu tái chế. Đây là một động thái đáng quan tâm, vì việc sửa đổi bộ mặt nhận diện thương hiệu – chính là logo – không phải chuyện nhỏ.

Louis Vuitton cải biên logo LV cho giày thể thao

Ảnh: Guillaume Rossi for Louis Vuitton

Câu chuyện này trở thành đề tài nóng vì đôi giày thể thao sắp ra mắt của Louis Vuitton.

Mẫu LV Trainer dự kiến tung ra tháng 09/2022 được trang trí với một phiên bản logo Louis Vuitton rất khác. Hai chữ L và V đại diện được kết nối với một mũi tên, khiến logo trông như biểu tượng tái chế quen thuộc.

Theo Louis Vuitton, đôi giày thể thao này có đế giữa (midsole) sử dụng 94% polyurethane tái chế, lớp lót bên trong từ 100% cotton tái chế, và đế lót (insole) làm từ 100% polyurethane tái chế. Mu giày không được làm từ da thuộc, mà từ polyester tái chế kết hợp cùng nhựa sinh học chiết xuất từ ngô/bắp. Dây giày cũng được dệt từ sợi polyester tái chế.

Ảnh: Louis Vuitton

Mẫu logo này do nhà thiết kế quá cố Virgil Abloh thực hiện cho Louis Vuitton, lần đầu tiên xuất hiện trong hàng loạt sản phẩm upcycle thuộc bộ sưu tập nam giới mùa Xuân Hè 2021. Logo LV phối hợp với biểu tượng tái chế giúp nhấn mạnh vào những cải tổ của Louis Vuitton, theo quy định đề ra từ tập đoàn mẹ LVMH.

“Việc thay đổi một logo kinh điển như Louis Vuitton là một quyết định táo bạo”, Erin Allweiss, nhà sáng lập công ty tư vấn No.29, chia sẻ cùng Business of Fashion. Thay đổi logo như thay đổi bộ mặt nhận diện của thương hiệu, do đó có những ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh. Điều này cho thấy quyết tâm của Louis Vuitton trong chuyện hướng đến việc phát triển bền vững.

Trước Louis Vuitton là Prada và Valentino

Louis Vuitton không phải thương hiệu duy nhất cải biến logo để nhấn mạnh vào các hoạt động vì môi trường của mình.

Ảnh: Valentino

Đầu năm 2022, Valentino tung ra mẫu giày thể thao Open For A Change bằng chất liệu tái chế. Mu giày làm từ polyester tái chế và chất liệu giả da chiết xuất từ ngô. Đế giày làm từ 50% cao su tái chế. Để giúp khách hàng phân biệt giữa chúng với dòng sản phẩm bình thường, chúng có lưỡi giày được trang trí với logo V bao bọc bởi biểu tượng tái chế.

Ảnh: Prada

Prada hẳn là đơn vị đã bắt đầu trào lưu này từ rất sớm. Khi ra mắt các thiết kế Re-Nylon làm từ chất liệu Econyl (nylon tái chế) từ năm 2019, dòng sản phẩm này đã được định dạng với logo hình tam giác có mũi tên tượng trưng cho vòng tròn khép kín thường thấy trong chuỗi cung ứng tái chế.

>>> XEM THÊM: CUỘC CÁCH MẠNG THỜI TRANG BỀN VỮNG CỦA TÚI PRADA NYLON

Khi thay đổi logo cho dòng sản phẩm tái chế, liệu những nhà mốt xa xỉ có đang greenwashing?

Từ lâu, việc phát triển bền vững dường như đi ngược chiều với mô hình kinh doanh thời trang xa xỉ.

Thời trang xa xỉ, về bản chất, là cao cấp. Các sản phẩm phải được làm từ chất liệu cao cấp nhất, quý hiếm nhất, cho dù là da thuộc hay hương liệu nước hoa. Còn sản phẩm tái chế bị xem là thấp cấp vì nguồn nguyên liệu, một khi được tái chế, bị xem là không thể duy trì được chất lượng thượng đẳng.

Để duy trì mức giá xa xỉ, các thương hiệu thời trang hạn chế sale off. Sản phẩm tồn đọng khi qua mùa thường bị tiêu hủy thay vì giảm giá, do các nhà mốt không muốn làm mất giá sản phẩm và cũng hạn chế tạo thói quen săn hàng sale ở khách hàng. Tuy nhiên việc tiêu hủy sản phẩm bị xem là phí phạm nguồn tài nguyên môi trường, do đó không thực sự xanh sạch chút nào.

Do đó, việc giới thiệu những dòng sản phẩm bền vững, được nhận diện với một logo mới, cho thấy sự cải cách ở những thương hiệu xa xỉ. Nó cũng cho thấy rằng nhận định của khách hàng về thời trang xanh đang thay đổi. Vì không có cầu sẽ chẳng có cung.

“Logo đại diện cho sự tin cậy”, Milton Pedraza, nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường xa xỉ Luxury Institute chia sẻ cùng Business of Fashion. Một logo được cải biên mang lại hơi thở trẻ trung, hiện đại cho các nhà mốt lâu đời như Louis Vuitton và Prada. Từ đó giúp các hãng tiếp cận khách hàng trẻ.

>>> XEM THÊM: VÌ SAO CÁC THƯƠNG HIỆU XA XỈ THAY ĐỔI LOGO?

Dù vậy, một số người e ngại rằng các thương hiệu thời trang đang chỉ đơn giản là đánh bóng tên tuổi thương hiệu (greenwashing). Vì mô hình của thời trang là tăng cường doanh thu bằng mọi cách. Mà việc mua sắm vô tội vạ thường đi ngược với trào lưu sống tiết kiệm nhằm giảm tải sức ép môi trường.

“Chủ nghĩa tư bản là vậy. Hàng tỉ đồng được chi ra để quảng cáo, thu hút cho các sản phẩm này với mục đích bán hàng. Tôi cho rằng người sống theo chỉ tiêu xanh, sạch thật sẽ chẳng cần dán logo lên người đâu”, Allweiss nói.

GREENWASHING LÀ GÌ?

Greenwashing là khi một đơn vị quảng cáo rằng mình áp dụng các biện pháp kinh doanh thân thiện với môi trường, nhưng không áp dụng chúng trong thực tế.

Đối với các thương hiệu kể trên (Louis Vuitton, Prada và Valentino), sản phẩm được làm từ chất liệu bền vững mới chỉ là bước đầu tiên trong con đường cải cách để phát triển bền vững. Các nhãn hàng sẽ phải làm nhiều hơn thế. Ví dụ như mở ra điểm thu mua sản phẩm cũ từ khách hàng, chẳng hạn.

>>> XEM THÊM: UPCYCLE LÀ GÌ VÀ SỰ KHÁC NHAU VỚI THỜI TRANG TÁI CHẾ RECYCLE

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm