NTK Phạm Ngọc Anh kết hợp cùng nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc nâng tầm trang phục Việt

Nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh hợp tác cùng nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc trong chương trình truyền hình thực tế "Fashion Tour"

Hai mẫu thiết kế trong BST Soi mây tạc lụa của thương hiệu La Phạm by Phạm Ngọc Anh và nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc kết hợp thực hiện

Fashion Tour, chương trình truyền hình thực tế được trông đợi nhất năm nay, đang trong quá trình ghi hình những tập đầu tiên. Ngay lúc này, các nhà thiết kế được “chọn mặt gửi vàng” đang tất bật chuẩn bị cho bộ sưu tập thời trang sẽ trình diễn trong chương trình.

Nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh

Harper’s Bazaar có dịp theo chân nhà thiết kế (NTK) Phạm Ngọc Anh – một trong những NTK tham gia Fashion Tour. Chị đang kết hợp cùng nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc để tạo ra một bộ sưu tập áo dài kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và thời trang đầy thú vị.

Bộ sưu tập mang tên Soi mây tạc lụa lấy cảm hứng từ những di sản của các công trình kiến trúc lịch sử như đền, chùa, đình, miếu… Những hoa văn di sản ấy được Phạm Tuấn Ngọc chụp và in theo kỹ thuật cyanotype trên chất liệu lụa truyền thống Việt Nam.

Sự phối hợp thú vị này không chỉ tái hiện vẻ đẹp của những hoa văn di sản đặc trưng xứ Huế trong sự mỏng nhẹ, óng ánh của lụa Việt mà còn đem những di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng bằng những thiết kế đương đại và có tính ứng dụng cao.

Kỳ công trong từng thước vải

Để thực hiện bộ sưu tập lần này, nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc và thương hiệu La Phạm của Phạm Ngọc Anh đã bắt đầu in thử nghiệm trên nhiều loại vải từ đầu tháng 62023. Từ đó, họ tìm ra được công thức và quy trình in cho mỗi loại vải sao cho hiệu quả và đẹp nhất.

Khi đã có quy trình, cả hai chọn hình phù hợp cho mỗi mẫu thiết kế và loại vải. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện họ phải thay đổi hình và vải cho nhiều mẫu thiết kế, thậm chí phải vẽ thêm mẫu mới để phù hợp với quy trình in.

Nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc miệt mài với những bản in

Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc cho biết, in cyanotype là một trong số các kỹ thuật in nhiếp ảnh khá đặc biệt. Kỹ thuật này gần như ra đời sớm nhất và an toàn cho sức khỏe.

“Tuy nhiên, in cyanotype chủ yếu được in lên giấy và vải thô, hiếm khi in trên lụa. Hơn nữa, quá trình thực hiện hoàn toàn thủ công nên mất nhiều thời gian, công sức mà tỉ lệ sai hỏng cao. Đổi lại, in cyanotype có thể kiểm soát hoàn toàn kích thước, vị trí, hình ảnh của bản in cho từng thiết kế. Ngoài ra còn là tính độc bản của các bản in”.

– Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc tiết lộ.

Điều đặc biệt của Soi mây tạc lụa còn nằm ở chất liệu. Theo đó, bộ sưu tập sử dụng hoàn toàn vải nội địa có nguồn gốc thiên nhiên. Cụ thể như lụa satin, organza của Bảo Lộc, vải gai dầu trồng và dệt thủ công ở Điện Biên, Hà Giang, và vải cotton pha sợi lá dứa trồng ở Nghệ An.

Khi những người làm khoa học rẽ hướng nghệ thuật

Quá trình làm việc của team La Phạm và nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc

Nói về cơ duyên cho lần hợp tác này, Phạm Ngọc Anh chia sẻ: “Khi dự một triển lãm sắp đặt ở Hà Nội, tôi mê những tác phẩm in trên vải của nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc. Như một cái duyên lớn, người tổ chức triển lãm đã giới thiệu tôi với anh ở Sài Gòn ít tháng sau đó. Sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên, chúng tôi đã thấy ngay sự kết nối về cách nhìn nghệ thuật và cách làm việc nên dự án Soi mây tạc lụa được hình thành ngay sau đó”.

NTK Phạm Ngọc Anh cho biết chị và Phạm Tuấn Ngọc đều là dân tay ngang bước vào làm nghệ thuật.

“Chúng tôi từng sống và học tập nhiều năm ở châu Âu. Cách chúng tôi làm việc vẫn mang một phong cách khoa học và kỷ luật lớn. Vậy nên khi bắt tay cùng nhau, cả hai gặp nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Chúng tôi không mất nhiều năng lượng để tranh cãi. Mà khi cùng một chí hướng, cả hai tập trung cao độ, bỏ mọi cái tôi xuống và chỉ hướng đến thành quả chung của cả nhóm”.

NTK Phạm Ngọc Anh chia sẻ.

Chị cho hay, việc kết hợp giữa nhiếp ảnh, nghệ thuật thị giác và thời trang tuy mới mẻ, mất nhiều thời gian để thử nghiệm nhưng cả hai lại xem đó là niềm vui và cảm hứng khi được làm những điều mới mẻ.

Bên cạnh đó, La Phạm và Phạm Tuấn Ngọc còn có nhiều điểm chung. Mà điểm chung lớn nhất là họ đều quan tâm đến văn hóa di sản và chất liệu thuần Việt. Trong lần kết hợp này, cả hai nghệ sĩ mong muốn sẽ nâng tầm trang phục thành một tác phẩm nghệ thuật tinh túy. “Chúng tôi muốn lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử trên trang phục áo dài, đưa vẻ đẹp kỳ quan Việt Nam đến với gần hơn với thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế”.

TIN LIÊN QUAN:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm