Tập đoàn Kering mua lại 30% cổ phần thương hiệu Valentino

Cứu vãn cho tình hình doanh số bán hàng tụt dốc, Kering quyết định chi hầu bao mua 30% cổ phần của Valentino của Ý

Ảnh: Kering

Chỉ hai ngày sau khi tập đoàn LVMH ký gói bảo trợ lên đến 166 triệu đô-la Mỹ cho Thế Vận Hội mùa hè Paris 2024, tập đoàn Kering đã mạnh tay chi 1,87 tỷ đô để mua lại 30% cổ phần của thương hiệu Valentino từ tay tập đoàn sở hữu hiện tại Mayhoola. Thỏa thuận này bao gồm quyền chọn (option) để Kering mua lại toàn bộ vốn cổ phần của Valentino vào năm 2028.

Kering cho biết trong một tuyên bố: “Giao dịch này là một phần của quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn giữa Kering và Mayhoola, điều này có thể dẫn đến việc Mayhoola trở thành cổ đông của Kering,”.

Đây là quyết định cẩn trọng mà Kering đưa ra nhằm củng cố lại địa vị xa xỉ đang dần bị tuột dốc.

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế biến động nhưng ngành công nghiệp xa xỉ vẫn chứng kiến ​​sự tăng trưởng phi thường. Bằng chứng là LVMH, tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới, đã công bố doanh số bán hàng trong nửa đầu năm tăng 15% trong khi lợi nhuận tăng 30%.

Tuy nhiên, Kering báo cáo lợi nhuận ròng của họ lại giảm 10% trong nửa đầu năm xuống còn 1,97 tỉ đô-la Mỹ. Trong khi tổng doanh thu tăng 2% lên 11,1 tỉ đô, nhưng doanh số của thương hiệu lớn nhất là Gucci lại giảm 1%. Đầu tháng này, Kering đã công bố một cuộc cải tổ nhân sự tại Gucci khi thay thế giám đốc điều hành.

Vì sao Kering mạnh tay mua lại 30% cổ phần Valentino?

Bộ sưu tập Valentino Haute Couture Thu Đông 2023. Ảnh: Getty Images

Mục tiêu hiện tại của tập đoàn Kering là hướng các thương hiệu của mình đến giới siêu giàu với phong cách quiet luxury.

Cụ thể, tập đoàn đã tìm thấy sức tăng trưởng vượt bậc tại Saint Laurent, thương hiệu trung thành với sắc đen tối giản và phong cách quyền lực vượt thời gian. Trong khi đó, Alexander McQueen, dù không gây tiếng vang như thời Lee Alexander McQueen còn nắm quyền quản lý, đã chứng minh rằng thương hiệu luôn có biên lợi nhuận cao nhờ những sản phẩm chất lượng nhất.

Bottega Veneta cũng đã chuyển biến để tập trung lại vào tính chất thủ công nhiều hơn là khả năng tạo trend. Nguồn tin cho biết lý do Daniel Lee đã bị thay thế bởi Matthieu Blazy trong vai trò giám đốc sáng tạo Bottega Veneta vì ông François Henri Pinault, chủ tịch tập đoàn Kering, không thích phong cách trendy anh ấy tạo ra cho thương hiệu Ý.

Gucci những mùa thời trang gần đây đang dần đào thải phong cách tối đa rối rắm của Alessandro Michele để hướng tới tính ứng dụng cao giản lươc, được giới điệu mộ đánh giá là dễ tiếp cận nhiều đối tượng. Trong khi đó, Balenciaga sau những bê bối về chiến lược quảng cáo rầm rộ sai lầm, đã trở lại với những bộ sưu tập nghiêm túc phô diễn tay nghề may đo thượng thừa.

Valentino chính là một thương hiệu đúng với định hướng phát triển của tập đoàn Kering. Vừa có khả năng tạo xu hướng (ví dụ với sắc hồng Pink PP by Valentino), lại không mất đi phong cách cổ điển vượt thời gian. Vừa được lòng giới mộ điệu trẻ, lại cũng được yêu thích bởi các ngôi sao hạng A. Sở hữu cả ngành hàng may đo sẵn lẫn haute couture, và cả hai đều mang tiếng vang tương tự.

Sức hút của Valentino còn được thể hiện bằng 211 cửa hàng được điều hành trực tiếp và đạt doanh thu 1,53 tỉ đô-la Mỹ vào năm 2022. Do đó, Valentino không chỉ bổ sung vào tổng thể lớn mạnh của tập đoàn Kering, mà còn giúp củng cố địa vị trong làng thời trang xa xỉ.

Ảnh: Imaxtree

TIN KINH DOANH ĐÁNG QUAN TÂM KHÁC:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm