5 điểm đến hành hương ở Việt Nam cho người tìm kiếm bình an

Gợi ý 5 địa điểm tâm linh ở Việt Nam phù hợp để đi hành hương cầu bình an vào năm mới, mong một năm Ất Tỵ an lạc, khỏe mạnh và thịnh vượng

Hồ Quỳnh Hương tại chùa Đồng, Yên Tử.

Đi hành hương dịp lễ, đến những địa điểm linh thiêng ở Việt Nam, là một nét đẹp ngày lễ. Ảnh: Hồ Quỳnh Hương

Du xuân đầu năm không chỉ là một chuyến đi thưởng ngoạn mà còn là một nét đẹp trong văn hóa người Việt, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Từ bao đời nay, người Việt có thói quen hành hương đến những điểm linh thiêng để cầu mong một năm mới bình an, mạnh khỏe và thịnh vượng. Đây cũng là dịp để mỗi người tạm gác bộn bề cuộc sống, tìm về chốn thanh tịnh, kết nối sâu hơn với bản thân và nuôi dưỡng tâm hồn.

Để giúp du khách có những trải nghiệm ý nghĩa, sau đây là gợi ý năm địa điểm hành hương ở Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam. Những địa danh này không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng mà còn sở hữu cảnh quan hùng vĩ, kiến trúc độc đáo, mang đến không gian thanh tịnh, thích hợp để tịnh tâm, hành hương và khám phá giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời của dân tộc.

Chùa Bái Đính (Ninh Bình) – Hành hương ở Thánh địa Phật Giáo uy nghi

Chùa Bái Đính – quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á – là địa điểm lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự an yên và tĩnh lặng.

Đến địa điểm này sau Tết, khi dòng người hành hương đã thưa bớt, du khách có thể thong dong chiêm ngưỡng những pho tượng Phật dát vàng lộng lẫy, dạo bước qua La Hán Đường với hàng trăm bức tượng độc đáo, và chiêm bái bảo tháp cao nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á.

Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm chùa là mùa lễ hội, từ ngày 3/2 (mùng 6 tháng Giêng âm lịch) đến 1/5/2025 (hết tháng Ba âm lịch). Đây là lúc không khí lễ hội sôi động với các nghi lễ cầu an, lễ rước truyền thống và những hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo Phật tử từ khắp mọi miền đất nước.

Chùa Hương (Hà Nội) – Hành trình cầu an giữa non nước hữu tình

Mỗi độ xuân sang, Chùa Hương (Chùa Hương Sơn) lại rộn ràng đón bước chân của hàng vạn phật tử về trẩy hội.

Hành trình đến chốn linh thiêng này bắt đầu với chuyến đò dọc sông Yến, len lỏi giữa núi non trùng điệp, mang đến cảm giác yên bình, thư thái. Từ bến đò, du khách tiếp tục chinh phục quãng đường bộ để đến động Hương Tích – “Nam Thiên Đệ Nhất Động,” nơi linh thiêng bậc nhất, nơi tín đồ thành tâm dâng lễ, cầu sức khỏe, tài lộc và bình an cho năm mới.

Mách bạn: Khi đến đây hành hương, bạn sẽ cảm thấy sự tâm linh nhất vào dịp Lễ hội Chùa Hương, một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam, kéo dài từ ngày 3/2 đến 1/5/2025 (mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch). Lễ hội thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, tạo nên bầu không khí sôi động giữa đất trời non nước hữu tình.

Chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) – Thiền viện thanh tịnh giữa biển trời Sơn Trà

Tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng vươn mình hướng ra biển Đông bao la, vừa mang vẻ đẹp linh thiêng, vừa sở hữu khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục. Nổi bật giữa không gian thanh tịnh là tượng Phật Quan Âm cao nhất Việt Nam, cao 67 mét, sừng sững như một biểu tượng che chở, ban phước lành cho muôn người.

Mỗi dịp đầu năm, chùa Linh Ứng đón hàng ngàn du khách đến chiêm bái, cầu mong bình an, sức khỏe, may mắn, và tận hưởng làn gió biển mát lành hòa cùng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Không gian tĩnh lặng, tiếng sóng vỗ nhè nhẹ tạo nên bầu không khí an nhiên, lý tưởng cho những ai muốn tịnh tâm và tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn.

Mách bạn: Khi đến đây hành hương, bạn có thể chọn đi vào dịp Lễ vía Đức Bồ Tát Quan Thế Âm diễn ra từ ngày 16/3 đến 18/3/2025 (tức 17 – 19 tháng Hai âm lịch), với nhiều nghi lễ trang trọng, thu hút đông đảo Phật tử ở khắp Việt Nam về chiêm bái và cầu phúc.

Núi Bà Đen (Tây Ninh) – Ngọn núi thiêng của Nam Bộ

Với độ cao 986m, núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà Nam Bộ,” thu hút hàng vạn du khách và phật tử hành hương mỗi năm.

Từ ngày 01/02 đến 03/02/2025 (mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội núi Bà Đen – lễ hội tâm linh lớn nhất Nam Bộ – sẽ diễn ra, tôn vinh Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, vị thần linh thiêng được nhân dân kính ngưỡng, cầu mong sức mạnh, kiên trì và bình an trong năm mới.

Năm nay, lễ hội kéo dài đến ngày 27/02/2025, mở rộng cơ hội cho du khách hòa mình vào không gian linh thiêng giữa núi rừng hùng vĩ. Đặc biệt, suốt tháng Giêng âm lịch, đỉnh núi Bà Đen rực rỡ với thảm hoa tulip khổng lồ hơn 115.000 bông, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ giữa trời Nam.

Núi Yên Tử (Quảng Ninh) – Hành trình tìm về chốn giác ngộ

Từ bao đời nay, núi Yên Tử được xem là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm. Hành trình chinh phục non thiêng Yên Tử không chỉ là thử thách về thể lực mà còn là hành trình tìm về sự giác ngộ. Bước qua những bậc đá rêu phong, du khách sẽ đến chùa Đồng, tọa lạc ở độ cao 1.068m, với niềm tin rằng chuyến hành hương này sẽ mang lại trí tuệ và minh tuệ cho năm mới.

Lễ hội xuân Yên Tử – một trong những sự kiện tâm linh quan trọng bậc nhất – diễn ra từ ngày 07/02/2025 (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) đến hết tháng Ba âm lịch. Hàng vạn Phật tử từ khắp nơi tề tựu về đây để tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua từ bỏ ngai vàng để sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, lan tỏa tinh thần từ bi và trí tuệ trong đời sống nhân gian.

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm