Cách những tập đoàn thời trang LVMH, Kering tối ưu hóa lợi nhuận khi lấn sân sang điện ảnh

Các ông trùm thời trang LVMH và Kering đẩy mạnh việc thâm nhập vào ngành điện ảnh để tối ưu hóa lợi nhuận và quyền kiểm soát các tài năng

LVMH 22 Montaigne Entertainment

Series “The New Look” là một cách quảng bá thương hiệu Dior của tập đoàn LVMH. Ảnh: Roger Do Minh for The New Look / Apple TV+

Ngành thời trang đang chứng kiến một kỷ nguyên mới. Sau hàng thập kỷ phát triển, các tập đoàn lớn như LVMH và Kering không còn chỉ co cụm trong lĩnh vực bán lẻ, mà còn đang mở rộng ảnh hưởng của mình sang đa ngành nghề.

Hai ông trùm không ngần ngại thử nghiệm với những cách phát triển thị trường cho các thương hiệu của mình. Từ thời trang, họ hướng tới mỹ phẩm, nước hoa, đồ trang trí nhà cửa và cả spa hay nhà hàng, khách sạn cùng ẩm thực.

Gần đây nhất, các thương hiệu thời trang bắt đầu chú ý đến ngành giải trí, như game điện tử và điện ảnh – những phương tiện kết nối gần gũi với quần chúng. Nếu ở địa hạt game, các thương hiệu chủ yếu bắt tay với một số nhà phát hành game (như Louis Vuitton kết hợp cùng Liên minh huyền thoại, Gucci cùng Roblox) thì ở địa hạt điện ảnh, các tập đoàn mạnh tay hơn khi mở hẳn công ty sản xuất phim của riêng mình.

Thương hiệu thời trang Saint Laurent nã phát pháo lấn sân sang ngành điện ảnh

BZ-prada-miu-miu-thiet-ke-thoi-trang-phim-elvis-elvis-priscilla

Prada và Miu Miu thiết kế phục trang cho phim Elvis của đạo diễn Baz Luhrmann. Ảnh: Prada

Từ nhiều năm nay, các thương hiệu thời trang đã quen với việc mở kho lưu trữ cho những đoàn phim. Họ mượn bản thảo cũ, phục chế một số sản phẩm vintage hay thiết kế sản phẩm mới cho các nhân vật trên phim (như Prada đã làm với bộ phim Elvis), cho mượn không gian để quay phim, tư vấn lịch sử cho các đoàn phim, v.v.

Tuy nhiên, Saint Laurent lại quyết tâm đi một bước xa hơn, thành lập chi nhánh sản xuất phim Saint Laurent Productions để tự mình kiểm soát thành phẩm cuối cùng. Thương hiệu đã nhắm đến trung tâm của điện ảnh Pháp và quốc tế: Liên hoan phim Cannes.

Saint Laurent mở party lớn ở Liên hoan phim Cannes 2023, có sự tham gia của (từ trái sang) Iris Law, Soo Joo Park, Rosé BLACKPINK, Laura Harrier và Inès Rau. Ảnh: Twitter @YSL

Năm ngoái, Saint Laurent ra mắt tại liên hoan phim Cannes qua màn hợp tác với Gaspar Noè trong Summer of ’21Lux Æterna, cũng như với Pedro Almodovar trong Strange Way of Life. Tuy nhiên các tác phẩm này nhận được những phản hồi không mấy nồng nhiệt từ giới phê bình.

Dẫu vậy, Saint Laurent không nản chí. Năm 2024, thương hiệu Pháp tiếp tục đồng sản xuất ba bộ phim sẽ tranh tài tại Cannes, bao gồm Parthenope của Paolo Sorrentino, bộ phim khoa học viễn tưởng The Shrouds của David Cronenberg, và phim nhạc kịch Emilia Perez của Jacques Audiard.

Vậy động cơ nào khiến một thương hiệu thời trang lại muốn thâm nhập vào ngành công nghiệp điện ảnh? Câu trả lời nằm ở hai khía cạnh: việc nâng cao nhận thức về thương hiệu và tăng cường khả năng hiển thị, cùng với việc mở ra cơ hội cho những hợp tác tiềm năng.

>>> THAM KHẢO: SAINT LAURENT TỰ SẢN XUẤT PHIM, SẮP CÔNG CHIẾU Ở LHP CANNES

Việc chinh phục Hollywood có ý nghĩa gì với các thương hiệu thời trang?

Roy Halston (Ewan McGregor) và Elsa Peretti (Rebecca Dayan) trong phim Halston trên Netflix. Ảnh: Netflix

Quyết định hướng tới điện ảnh không chỉ là bước đi của riêng Saint Laurent. Vài tháng trước, LVMH đã thành lập 22 Montaigne Entertainment. Về phần tập đoàn Kering, gia đình Pinault đã tiếp quản CAA – Creative Artist Agency, một trong những công ty quản lý tài năng hàng đầu Hollywood.

Những bước đi này diễn ra đồng thời với sự ra đời của các phim điện ảnh, truyền hình thuộc dạng tiểu sử xoay quanh thời trang. Sau sự thành công của Halston House of Gucci, hàng bộ phim tiểu sử thời trang khác cũng ra mắt, như Cristóbal Balenciaga, The New Look, hay series sắp ra mắt Becoming Karl Lagerfeld.

Một cảnh trong series Cristobál Balenciaga từ Disney+. Ảnh: David Herranz for Disney+

Điều hiển nhiên là khi sản xuất những tác phẩm điện ảnh dựa trên lịch sử của mình, các thương hiệu đang truyền bá văn hóa với người tiêu dùng, thúc đẩy sự quan tâm của họ với các sản phẩm của nhà mốt, từ đó có thể tăng cường doanh số bán lẻ.

Nhưng màn bắt tay giữa các tập đoàn thời trang và công ty điện ảnh không chỉ dừng lại ở mục đích quảng cáo. Nó còn liên quan đến những ngôi sao – những người có sức ảnh hưởng quan trọng đến công chúng.

Loewe, thương hiệu trực thuộc LVMH, ký hợp đồng thiết kế trang phục cho bộ phim “Challengers,” thể hiện tham vọng lấn sân điện ảnh của LVMH. Ảnh: Loewe

Từ năm ngoái, tập đoàn Kering và gia đình Pinault đã bắt đầu hưởng lợi từ việc quản lý hợp đồng với các ngôi sao thông qua CAA, trong đó có những người là đại sứ cho các đối thủ cạnh tranh của họ.

Cụ thể như Zendaya. Cô hiện là đại sứ Valentino trực thuộc Kering, đồng thời cũng là đại sứ Louis Vuitton của LVMH. Gần đây, cái tên Zendaya còn gắn liền với thương hiệu Loewe, một nhà mốt khác trực thuộc tập đoàn LVMH, bởi giám đốc sáng tạo Loewe – Jonathan Anderson đã hợp tác với đạo diễn Luca Guadagnino để thiết kế trang phục cho bộ phim Challengers: Những kẻ thách đấu mà cô là diễn viên chính.

CAA cũng đang quản lý Charlotte Gainsbourg, người hiện là đại sứ của Saint Laurent trực thuộc Kering. Trong khi đó sao đạt giải Oscar Eddie Redmayne lại là đại sứ của Omega, từ tập đoàn Swatch cạnh tranh.

Với sự phát triển mới, các ngôi sao nói tóm lại cũng trở thành cả đại sứ và “sản phẩm” của thương hiệu. Điều này không chỉ tạo nên một mối liên kết lâu dài giữa thời trang, điện ảnh và quảng cáo, mà còn cho thấy sức mạnh của các tập đoàn thời trang lớn, khi có thể tập trung mọi thứ về dưới một mái nhà: từ sản xuất phim, bán quần áo trên phim, rồi quản lý sự nghiệp của ngôi sao và thu hút các nhà đầu tư cho các dự án của những ngôi sao này. Mọi thứ đều có thể trở thành nguồn lợi nhuận.

Tương lai nào cho sự giao thoa giữa thời trang và điện ảnh dưới sự nắm quyền của LVMH và Kering?

Bức ảnh làm dậy sóng mạng xã hội ngày 10/3. Ảnh: Instagram @ladygaga.

Lady Gaga và Adam Driver thủ vai chính trong bộ phim tiểu sử House of Gucci. Ảnh: Instagram @ladygaga

Tuy nhiên, có một thách thức lớn: đó là tính xác thực. Mỗi thương hiệu đều cố gắng tránh xa những tranh cãi, những rủi ro tiềm ẩn, và những tình huống có thể làm hại đến hình ảnh của họ. Đó là lý do tại sao bạn không bao giờ thấy những nhân vật phản diện trong phim sử dụng iPhone!

Ngoài ra, cần phải chắc chắn rằng nhu cầu quảng cáo và nhận thức thương hiệu không làm ảnh hưởng đến quá trình viết kịch bản và đạo diễn, giống như cách các nhà thiết kế làm việc với bộ sưu tập của họ.

Liệu mối liên kết giữa thời trang và điện ảnh có thực sự hiệu quả hay không vẫn còn là một dấu hỏi, minh chứng là bộ phim Strange Way of Life là một dự án nhận được phản ứng trái chiều, không hoàn toàn phù hợp với rạp chiếu phim hay truyền hình, và thậm chí những người đánh giá cao nó cũng không thể hiểu rõ mục đích hay đối tượng khán giả mà bộ phim nhắm tới.

Chiến lược lấn sân điện ảnh dường như đã thay đổi với Liên hoan phim Cannes sắp tới. Thương hiệu đang háo hức khoe vai trò đồng sản xuất của mình, ngụ ý rằng họ đã đóng góp phần tạo ra các bộ phim. Công chúng chỉ có thể hy vọng rằng chiến lược này sẽ không có sự can thiệp thương mại quá rõ ràng, hoặc ít nhất là không có sự xâm lấn mà các thương hiệu thường có trong việc quảng bá bản thân bằng mọi giá.

THỜI TRANG VÀ ĐIỆN ẢNH:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm