Angelina Jolie để ong bò khắp người nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường

Bảo vệ loài ong là một bước thiết thực để đảm bạo sự ổn định cho loài người, Angelina Jolie nhấn mạnh

Thứ 5 ngày 20/5 vừa qua là ngày Quốc tế vì loài ong. Cho ngày đặc biệt này, nữ diễn viên và nhà hoạt động xã hội Angelina Jolie đã chụp một bộ ảnh đặc biệt cho National Geographic. Không sử dụng đồ bảo hộ chống ong, Angelina Jolie đã để mặc những con ong mật bò khắp người mình.

Tấm ảnh ngay lập tức nhận hơn 2 triệu like trên trang Instagram của National Geographic. Qua việc chụp một bộ ảnh gây sốc, Angelina Jolie muốn gây chú ý đến sự tồn vong của loài ong. “Sự sống còn của chúng đồng nghĩa với sự sống còn của loài người”, cô nói.

Loài ong quan trọng như thế nào đối với loài người?

Ảnh: Getty Images

Nói đến ong, chúng ta nghĩ đến mật ong giàu chất dinh dưỡng. Nhưng mật ong chỉ là một phần của những lợi ích mà ong mang đến cho loài người.

Ít người biết rằng, ong là công cụ được nông nghiệp tiên tiến “nhờ vả” để thụ phấn. Ước tính, để có thể nuôi sống dân số 7 tỷ người toàn cầu, hơn 1/3 tổng diện tích trồng trọt nông nghiệp toàn cầu cần sự trợ giúp của ong để đơm hoa kết trái.

Mô hình nuôi ong công nghiệp đã được tích hợp nhuần nhuyễn vào ngành nông nghiệp hiện đại. Các nhà nuôi ong công nghiệp đặt tổ ong vào vào những xe tải, rong ruổi khắp nẻo đường miền quê. Tại mỗi nông trại cần ong thụ phấn, họ dừng xe lại, để cho ong bay ra và làm việc. Đến tối, ong trở về tổ. Sau một thời gian nhất định, họ sẽ nhổ trại và di chuyển đến một nông trại mới.

Một chiếc xe tải chứa ong chuẩn bị lên đường. Ảnh: GloryBee Foods

Ong được sử dụng để thụ phấn cho trái cây, củ quả và các loại hạt. Ví dụ táo, mận, cam quýt, lê, dưa gang, các loại dâu, thậm chí là bông cải xanh… Ngoài ra, cỏ linh lăng (alfalfa), một nguồn thức ăn chính trong chăn nuôi bò thịt, cũng cần ong để thụ phấn.

Như vậy, ong là một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm thế giới, hỗ trợ tạo nên lượng nông sản toàn cầu trị giá hơn 200 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm.

Bí ẩn cái chết của những con ong

Tuy vậy, ngành công nghiệp hiện tại đối mặt với một thực trạng nghiêm trọng: Hội chứng rối loạn tổ chức đàn ong (colony collapse disorder).

Trong hai thập kỷ đổ lại, các nhà nuôi ong công nghiệp phát hiện đàn ong của họ từ từ sụt giảm. Ong sau khi thụ phấn không về tổ, biến mất hoặc chết hàng loạt. Từ 2006, tình trạng này đã được ghi nhận. Điều này gây thiệt hại nặng cho ngành công nông nghiệp hiện đại. Giới chuyên môn đặt tên cho trường hợp này là hội chứng rối loạn tổ chức đàn ong.

Một nông dân Trung Quốc phải thụ phấn bằng tay khi đàn ong biến mất. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images/Huff Post

Đến nay, người ta vẫn không rõ vì sao tình trạng này diễn ra. Các nhà khoa học cho rằng lý do đến từ việc lạm dụng thuốc trừ sâu. Mô hình đưa cùng một tổ ong đi thụ phấn ở quá nhiều nông trại khác nhau cũng có thể là nguyên nhân.

Thông tin thêm: Bạn có thể tìm hiểu thêm về hội chứng rối loạn tổ chức đàn ong qua bộ phim tài liệu Vanishing of the Bees xem miễn phí qua YouTube Movies.

Angelina Jolie chung tay cho dự án vì loài ong

Angelina Jolie để ong bò khắp người nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường

Ảnh: Dan Winters/National Geographic

Gần đây, Angelina Jolie có một biệt danh mới: Mẹ đỡ đầu của loài ong. Nữ diễn viên và nhà hoạt động xã hội vừa được bổ nhiệm làm gương mặt đại diện cho chiến dịch Women for Bees (phụ nữ vì loài ong) do UNESCO phối hợp cùng Guerlain thực hiện.

Thương hiệu mỹ phẩm Pháp Guerlain cho biết đã dành ra ngân sách 2 triệu đô-la Mỹ để đào tạo phụ nữ thành những nhà nuôi ong địa phương, hạn chế mô hình nuôi ong di động đang thịnh hành. 50 phụ nữ toàn cầu sẽ xây dựng 2500 tổ ong địa phương, tạo dựng môi trường bảo vệ 125 triệu con ong – trong đó có nhiều loài đã bị liệt kê vào sách đỏ.

Năm 2021, dự án này đã được phát động ở Bulgaria, Campuchia, Trung Quốc, Ethiopia, Pháp, Nga, Rwanda và Slovenia. Qua năm 2022, nó sẽ được lan tỏa mạnh mẽ đến Peru, Indonesia và nhiều quốc gia hơn nữa.

Từ lâu, Angelina Jolie đã là một tiếng nói mạnh trong những công cuộc bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo. Chia sẻ cùng National Geographic, Angelina Jolie cho rằng, việc bảo vệ đàn ong sẽ giúp ổn định vấn đề lương thực, giảm thiểu nạn chết đói vì thiếu lương thực toàn cầu.

Ảnh chụp Angelina Jolie cho thấy sự dịu dàng của loài ong

Quay lại với bộ ảnh Angelina Jolie chụp cùng đàn ong. Đây là một sự kỳ công của nhiếp ảnh.

Dan Winters, nhiếp ảnh gia thực hiện bộ ảnh này, là một người yêu ong và từng thử nghiệm tự nuôi ong. Khi được nữ diễn viên và National Geographic liên hệ để thực hiện bộ ảnh, anh đã ngay lập tức nghĩ đến bức ảnh chân dung The Beekeeper của nhiếp ảnh gia Richard Avedon chụp năm 1981. Cả êkíp đã sử dụng kỹ thuật này cho tấm ảnh chân dung chụp cùng ong của Angelina Jolie.

Angelina Jolie để ong bò khắp người nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường

Trái: Tấm ảnh chân dung The Beekeeper năm 1981 của Richard Avedon. Phải: Ảnh chụp Angelina Jolie cùng ong do Dan Winters thực hiện cho National Geographic.

Trích dẫn lời chia sẻ của Dan Winters trên trang Instagram cá nhân:

“Tôi đã nhờ Konrad Bouffard, một người bạn thân là chuyên gia nuôi ong, để giúp thực hiện bộ ảnh cho Angelina Jolie. Konrad đã tìm được nhà côn trùng học, người đã hợp tác cùng Ricard Avedon, để xin mua một ít pheromon. Đây là mùi hương quyến rũ mà ong chúa tiết ra để điều khiển ong thợ.

Pheromone được bôi lên các khu vực trên cơ thể Angelina mà tôi muốn loài ong bò lên. Pheromone tuy hấp dẫn ong thợ, nhưng cũng khiến chúng không bị rơi vào trạng thái vỡ tổ.

Cho buổi chụp, chúng tôi dùng loài ong Ý. Tất cả mọi người đều mặc đồ bảo hộ, ngoại trừ Angelina. Phòng phải tối và cực kỳ yên tĩnh, tránh gây kích động lũ ong.

Angelina Jolie bịt mũi và lỗ tai, những điểm nhạy cảm cần chống ong bò vào. Nhưng suốt 18 phút, cô ấy đứng yên như tượng, ong bò khắp người mà không hề bị đốt”.

Xem lại quá trình chụp ảnh của nhiếp ảnh gia Dan Winters

>>> Xem thêm: KHÁM PHÁ NHÀ RIÊNG CỦA ANGELINA JOLIE Ở CAMPUCHIA

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm